Thứ hai 21/04/2025 04:13

Quản lý và giám sát thị trường cạnh tranh, bài học từ Chile

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, việc Chile siết chặt kiểm soát hội đồng quản trị chồng chéo là bài học cho Việt Nam trong quản trị cạnh tranh.

Tiên phong trong quản lý và giám sát thị trường cạnh tranh

Theo thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), ngày 27/12/2024 vừa qua, Chile tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong việc quản lý và giám sát thị trường cạnh tranh minh bạch bằng cách tăng cường xử lý hiện tượng hội đồng quản trị chồng chéo (interlocking directorates). Đây là hiện tượng một cá nhân đảm nhiệm vai trò quản trị hoặc lãnh đạo tại nhiều công ty cạnh tranh, gây ra nguy cơ xung đột lợi ích và thao túng thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến tính cạnh tranh công bằng trên thị trường.

Trước đó, từ năm 2017, nước này đã thực hiện sửa đổi Luật Cạnh tranh (Sắc lệnh số 211), trong đó đưa ra quy định nghiêm cấm các cá nhân đồng thời giữ vị trí lãnh đạo hoặc giám đốc tại hai hay nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nếu tổng doanh thu của các doanh nghiệp này vượt quá 100.000 đơn vị fomento (UF) - tương đương khoảng 3,5 triệu USD.

“Quy định này áp dụng theo nguyên tắc vi phạm hiển nhiên (per se), nghĩa là hành vi bị coi là vi phạm bất kể tác động cụ thể đến thị trường có được chứng minh hay không. Trong khi đó, các trường hợp chồng chéo gián tiếp - như cùng nguồn bổ nhiệm hoặc kiểm soát chung - được phân tích theo nguyên tắc “rule of reason”, dựa trên mức độ ảnh hưởng đến thị trường để đưa ra kết luận” - Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam thông tin.

Cùng với đó, tại Chile, Cơ quan Công tố kinh tế Quốc gia (FNE) là đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến hội đồng quản trị chồng chéo. Trong những năm gần đây, FNE đã tăng cường hoạt động điều tra và khởi kiện, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính và năng lượng, nơi các mối liên hệ chồng chéo có nguy cơ cao gây bóp méo thị trường.

Một số vụ kiện nổi bật được trình lên Tòa Bảo vệ cạnh tranh tự do (TDLC) đã kết luận rằng, các mối quan hệ chồng chéo này không chỉ làm giảm tính cạnh tranh mà còn tạo điều kiện cho các hành vi thao túng giá và thông tin. Các doanh nghiệp vi phạm bị buộc phải cơ cấu lại hội đồng quản trị để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

“Chile đã chứng minh rằng, việc kiểm soát chặt chẽ hiện tượng hội đồng quản trị chồng chéo không chỉ góp phần bảo vệ tính minh bạch của thị trường trong nước mà còn củng cố niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Với một khung pháp lý mạnh mẽ và thực thi hiệu quả, Chile đã giảm thiểu được nguy cơ thao túng thị trường, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh công bằng trong các ngành kinh tế trọng điểm” - Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam nhấn mạnh.

Chile tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong việc quản lý và giám sát thị trường cạnh tranh. Ảnh minh họa

Bài học cho Việt Nam

Chia sẻ về thực tiễn vấn đề này tại Việt Nam, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cho hay, mặc dù Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh 2018 đã có những quy định về quản trị doanh nghiệp và cạnh tranh, nhưng chưa có điều khoản rõ ràng nhằm xử lý hiện tượng hội đồng quản trị chồng chéo.

“Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý lớn, tiềm ẩn nguy cơ thao túng và hạn chế cạnh tranh trong các ngành kinh tế quan trọng” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận định.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực như: Ngân hàng, bất động sản và viễn thông, đã có những lo ngại về việc các cá nhân hoặc nhóm cổ đông lớn kiểm soát nhiều công ty cạnh tranh. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chia sẻ thông tin nhạy cảm, thao túng giá cả, hoặc dựng lên các rào cản đối với đối thủ mới gia nhập thị trường.

Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam phân tích, nếu trong ngành ngân hàng, việc các cá nhân nắm giữ vị trí trong nhiều ngân hàng đối thủ sẽ gây ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiệu quả cạnh tranh. Hay trong lĩnh vực bất động sản, các mối liên hệ chồng chéo có thể khiến giá bất động sản bị thao túng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhận định cách tiếp cận của Chile đối với hiện tượng hội đồng quản trị chồng chéo mang lại nhiều bài học giá trị cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các ngành công nghiệp chiến lược đang phát triển mạnh mẽ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định, để đảm bảo một môi trường cạnh tranh minh bạch và lành mạnh, Việt Nam cần thực hiện một số biện pháp:

Thứ nhất, bổ sung quy định pháp lý, theo Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh, Luật Cạnh tranh và Luật Doanh nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung các điều khoản rõ ràng về cấm các mối quan hệ chồng chéo trong hội đồng quản trị giữa các doanh nghiệp cạnh tranh.

Thứ hai, tăng cường giám sát, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần chủ động giám sát các lĩnh vực có nguy cơ cao như: Tài chính, năng lượng, viễn thông và bất động sản. “Việc sử dụng công nghệ và dữ liệu lớn có thể hỗ trợ phát hiện sớm các mối quan hệ chồng chéo bất hợp pháp” - Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh nhận định.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về quản trị minh bạch, trách nhiệm giải trình và tuân thủ pháp luật cạnh tranh. Điều này giúp xây dựng lòng tin với đối tác và khách hàng.

Thứ tư, hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Chile trong việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế giám sát hiệu quả. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế sẽ giúp tăng cường năng lực quản lý và xử lý vi phạm.

Cơ quan Điều tra vụ việc cạnh tranh: “Chile đã chứng minh rằng, việc kiểm soát chặt chẽ hiện tượng hội đồng quản trị chồng chéo là một yếu tố quan trọng để bảo vệ tính cạnh tranh và minh bạch của thị trường. Khung pháp lý mạnh mẽ và các biện pháp thực thi hiệu quả không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thao túng thị trường mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để cải thiện khung pháp lý và tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc đảm bảo tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp sẽ không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Một thị trường cạnh tranh công bằng là nền tảng để thúc đẩy sự đổi mới, phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài”.
Lê Na
Bài viết cùng chủ đề: Luật Cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục

Nga tạo ra 'vũ khí' vô hiệu hóa tác chiến điện tử

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 19/4: 'Giảng viên' NATO thiệt mạng ở Sumy

Báo chí giúp doanh nghiệp tiếp cận FTA nhiều nhất

Cà Mau: Từ chỉ số FTA Index đến tư duy hành động

Kinh tế Malaysia tăng trưởng 4,4%, xuất khẩu vượt kỳ vọng

Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Ấn Độ tham gia kết nối thị trường

FTA: Cú hích tăng tốc cho Hàn Quốc, Nhật Bản - Việt Nam đã sẵn sàng?

Tên lửa Iskander được coi là vũ khí 'sát thần' tại Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 18/4: Lính Ukraine tháo chạy khỏi Kursk

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 18/4: Lính Ukraine tháo lui ở Kursk

Khai thác hiệu quả FTA: ‘Chìa khoá’ để doanh nghiệp vượt sóng

Hoa Kỳ thử nghiệm đội hình robot tác chiến người - máy

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 17/4: Lính đánh thuê Ukraine thương vong

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 17/4: Trinh sát Ukraine tử nạn ở Belgorod

Chiến sự Nga-Ukraine chiều 16/4: Nga siết vây lính Ukraine ở Kursk

Hoa Kỳ hiện đại hóa xe tăng Abrams

Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian

GDP quý I của Trung Quốc tăng 5,4%, vượt kỳ vọng

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 16/4: Nga đánh sâu vào Donetsk, Ukraine rút lui khỏi Yampolovka

Động đất ở Myanmar: Du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sao?