KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG |
Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/5/1951 về việc đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành Công Thương Việt Nam. Trong tiến trình phát triển ấy, trước nhu cầu bức thiết cần có một lực lượng để ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng như bảo vệ nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, ngày 3/7/1957, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 290/TTg thành lập Ban Quản lý thị trường Trung ương và các Ban quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố và khu tự trị trong cả nước. Đây là mốc son quan trọng đánh dấu sự hình thành và bắt đầu quá trình phát triển của lực lượng Quản lý thị trường ngày nay. |
Tuy nhiên, tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. Hành vi vi phạm không chỉ ở địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng, thậm chí móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để thực hiện các hành vi vi phạm. Nhận thấy những bất cập tồn tại, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 12/10/2018. Theo Quyết định, lực lượng Quản lý thị trường được tổ chức lại theo mô hình ngành dọc tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ. Song hành cùng sự đổi thay và phát triển của ngành Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng hoạt động, tạo nhiều dấu ấn đậm nét; được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Công Thương và người dân ghi nhận. |
Riêng trong công tác thông tin tuyên truyền, trong gần 6 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục Quản lý thị trường luôn bám sát sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương và gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, hoạt động chuyên môn, qua đó, xây dựng hình ảnh lực lượng Quản lý thị trường từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả. |
Theo đó, trong gần 6 năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai công tác thông tin, tuyên truyền bám sát chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, đảm bảo các yêu cầu: Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo đúng đắn, xuyên suốt của Đảng đối với công tác tư tưởng nói chung và hoạt động thông tin, tuyên truyền nói riêng. Thứ hai, tuân thủ định hướng đúng đắn của Đảng đối với công tác dư luận xã hội. Thứ ba, kiên trì giữ vững mục tiêu đoàn kết, ổn định chính trị - xã hội; đồng thời khuyến khích sự tham gia tích cực của đảng viên, công chức, người lao động của Tổng cục trong hoạt động thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng. Thứ tư, coi trọng việc đổi mới nội dung và hình thức cung cấp thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội... Là đơn vị tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước trong lĩnh vực Quản lý thị trường, trong thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường cũng như Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố đã đăng tải nhiều thông tin quan trọng liên quan đến lĩnh vực Quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (Moit.gov.vn), Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Dms.gov.vn), Báo Công Thương... và nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác. Các bài viết có lượt truy cập cao, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Trong đó, có nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông, từ đó, bài viết lại tiếp tục được lan tỏa đến đông đảo bạn đọc trong cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn Bộ Công Thương tổ chức Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới năm 2023, công chức, người lao động trong lực lượng Quản lý thị trường đã tích cực hưởng ứng, viết bài gửi dự thi. Nhờ sự tham gia tích cực, Tổng cục Quản lý thị trường vinh dự là một trong 5 đơn vị được nhận Giấy khen vì có thành tích tích cực hưởng ứng Cuộc thi. |
Không những vậy, vai trò của công tác truyền thông của Tổng cục Quản lý thị trường nói riêng và lực lượng Quản lý thị trường cả nước nói chung còn được thể hiện qua hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên phạm vi toàn quốc được cải thiện theo hướng toàn diện, hiệu quả; những diễn biến đột xuất, phức tạp của thị trường phát sinh trong các thời điểm, tại các địa bàn khác nhau trên cả nước đã được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời với kết quả tích cực. Nhiều vụ việc vi phạm phức tạp, có quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh đã được chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời góp phần tích cực bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến tháng 9/2023, sau 05 triển khai theo mô hình ngành dọc, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 557.156 vụ việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; xử phạt vi phạm hành chính 353.333 vụ việc; thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.800 tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng Quản lý thị trường còn thể hiện vai trò tiên phong trong trận chiến phòng, chống đại dịch khi vừa kiểm tra, kiểm soát thị trường, vừa tham gia túc trực để điều phối các mặt hàng phòng chống dịch tới tay người tiêu dùng với mức giá hợp lý. Trong giai đoạn này, Quản lý thị trường là lực lượng đầu tiên đưa ra cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (từ truyền hình, báo giấy báo điện tử, đến phát thanh)... về nạn thu gom khẩu trang, găng tay y tế đã qua sử dụng để tái chế, bán ra thị trường... Cũng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lực lượng Quản lý thị trường đã tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi phản ánh về những vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, từ đó kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. |
CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNGGÓP PHẦN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, công tác truyền thông của Tổng cục Quản lý thị trường luôn gắn liền với các nhiệm vụ chính trị, các hoạt động chuyên môn như: Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục; Đề án vị trí việc làm của Tổng cục; Đề án thành lập 19 Cục liên tỉnh; Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 2/2023; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển và Đề án nâng cao năng lực của cơ quan Quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính... Đặc biệt, trong gần 6 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường và hoạt động theo mô hình ngành dọc, Tổng cục đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, coi đây là công cụ để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng trong lực lượng Quản lý thị trường, bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh không khoan nhượng trước các hành vi sai trái, trước các luận điệu xuyên tạc, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Chính vì thế, ngay từ cuối năm 2018, Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường (Dms.gov.vn) đã nhanh chóng được thiết lập và đưa vào vận hành. Cổng Dms.gov.vn được liên thông với Trang thông tin điện tử của 63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, do đó, việc trao đổi, cập nhật thông tin về các vụ việc được diễn ra liên tục, kịp thời và thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Thống kê sơ bộ của Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, tình từ tháng 10/2018 đến nay website của Cổng thông tin điện tử Tổng cục Quản lý thị trường đã đăng tải trên 12.000 bài viết ở các thể loại như tin, bài phản ánh, bài phân tích chuyên sâu liên quan đến các chính sách, chủ trương điều hành; các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động thực thi công vụ của lực lượng. |
Với phương châm “làm được phải nói được”, các vụ kiểm tra, kiểm soát của lực lượng đã được Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin kịp thời, nhanh chóng chuyển đến các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải trên các bản tin, các trang báo chính thống, tạo nên một bức tranh đa chiều về hình ảnh của các kiểm soát viên Quản lý thị trường trên mặt trận phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Ngoài ra, hàng năm, Tổng cục Quản lý thị trường cũng phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trao đổi thông tin báo chí, tạo sự minh bạch. Điển hình, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chuyên mục “Thật và Giả”; phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam VOV xây dựng Chương trình “Tuyên chiến với thương mại”... cùng nhiều cơ quan báo chí trong và ngoài ngành Công Thương. |
Có thể nói, năm 2021 là dấu mốc quan trọng của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác truyền thông khi Tổng cục Quản lý thị trường cho ra mắt Tạp chí Quản lý thị trường cùng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... để truyền tải, cung cấp các thông tin hình ảnh, hoạt động của lực lượng một cách thường xuyên, liên tục, chính xác đến công chúng, độc giả. Đến nay, sau gần 4 năm ra mắt, Tạp chí Quản lý thị trường dần trở thành kênh thông tin mang tính chuyên biệt được đông đảo cơ quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng đón nhận. Tính từ thời điểm ra mắt vào tháng 7/2021 đến nay, Tạp chí cùng đăng tải hàng ngàn bài biết liên quan đến công tác, hoạt động của lực lượng cũng như các bài phản ánh, phân tích chuyên sâu về các lĩnh vực của ngành. Đáng chú ý, trên Tạp chí Quản lý thị trường, công tác truyền thông không chỉ được thực hiện thông qua dạng bài viết đơn thuần, truyền thống mà hình thức truyền thông còn được thể hiện đa dạng thông qua các video, clip đa phương tiện… giúp độc giả có cái nhìn trực quan, sinh động và chân thật hơn về công tác quản lý thị trường. Nổi bật trong số đó là Bản tin Quản lý thị trường hàng ngày với chủ đề “5 phút cùng Quản lý thị trường” và Bản tin Quản lý thị trường tuần được phát sóng vào 7h30 sáng thứ Bảy hàng tuần. Các chương trình đã đón nhận được sự ủng hộ đông đảo của độc giả cả nước. Song song đó, việc mở cửa Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ cuối tháng 11/2021 đến nay cũng là một trong những hoạt động thông tin, truyền thông đặc biệt, nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến ngày 15/4/2024, qua 11 lần mở cửa với các chuyên đề như: Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường; Nhận diện hóa mỹ phẩm vi phạm trên thị trường; Nhận diện sản phẩm sách và đồ chơi an toàn cho trẻ em; Dấu ấn Quản lý thị trường; Quản lý thị trường đi cùng nhịp sống và mới nhất là chủ đề Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan... Phòng Trưng bày hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Phòng Trưng bày đã thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô và người dân cả nước khi muốn tìm hiểu dấu hiệu nhận diện các sản phẩm hàng hóa vi phạm. |
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Giang, Bắc Giang, Tây Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên... đã liên tiếp tổ chức các gian trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả giúp cho người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận, nhận biết, phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.. từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Tiếp đến, năm 2022 có thể coi là năm “bùng nổ” truyền thông của lực lượng Quản lý thị trường khi nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thống lực lượng (3/7/1957-3/7/2022), Tổng cục Quản lý thị trường đã phát động, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức Phòng trưng bày truyền thống 65 năm Quản lý thị trường; Tổ chức giải bóng đá na quy mô toàn lực lượng; Phát động Chương trình trồng 65.000 cây xanh... và đặc biệt, lần đầu tiên Tổng cục tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Dấu ấn Quản lý thị trường”. Cuộc thi đã tạo ra một “sân chơi” cho các phóng viên báo chí theo dõi lĩnh vực Quản lý thị trường cũng như phát động một phong trào thi đua trong toàn lực lượng nhằm khẳng định vai trò của lực lượng trong công tác phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ phóng viên báo chí, đặc biệt là các công chức, người lao động trong toàn lực lượng với đa dạng các hình thức dự thi, từ bài viết, đến âm nhạc, thơ ca, hội họa… |
Với các giải pháp truyền thông bài bản, quy mô, có thể nói, đến nay, hình ảnh của lực lượng Quản lý thị trường đã và đang dần trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn; tần suất các vụ việc được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, kiểm tra và xử lý xuất hiện nhiều hơn trên các bản tin, trang báo điện tử trung ương và địa phương; thể hiện tinh thần vào cuộc quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin truyền thông trong lực lượng Quản lý thị trường thời gian quan vẫn còn một số hạn chế cùng những thách thức nhất định, do vậy cần phải tiếp tục giải quyết tốt hơn, chuyển thông tin đến các cơ quan báo chí nhanh hơn, kịp thời hơn; thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế cho các đoàn phóng viên, báo chí để có những thông tin, hình ảnh sát hơn với thực tế, vụ việc... Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác thông tin truyền thông trong lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục bám sát những chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Công Thương, gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc và triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp, biện pháp cụ thể, khả thi để nâng cao hơn nữa trình độ nhận thức, hiểu biết về vị trí, vai trò và sức mạnh của công tác truyền thông cho cán bộ, đảng viên, công chức Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ vào công tác thông tin truyền thông nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả… |
Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã chỉ rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của mỗi đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên và các cơ quan truyền thông, báo chí. Đây là định hướng quan trọng, khẳng định vai trò, trách nhiệm của công tác truyền thông trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng này. Nhằm phát huy vai trò sứ mệnh của công tác truyền thông, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường luôn thống nhất trong chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của đơn vị, xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn lực lượng, quyết tâm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. |
Cục QLTT Thanh Hóa phát huy vai trò của cán bộ đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng |
Quản lý thị trường: Chủ động kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm |