Vàng thau lẫn lộn…
Trên thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng có tác dụng về sức khỏe, ở một số đơn vị uy tín, đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu cũng như chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mặt hàng "ăn theo" với chiêu trò quảng cáo hấp dẫn.
Nhiều vùng quê ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh bị xáo trộn bởi gần đây, nhiều người dân buồn tiếc khi bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng, được thổi phồng lên thành thần dược. Những khách hàng cũng không đến nỗi nhẹ dạ cả tin cũng khó tránh khỏi bị mê hoặc bởi các ngôn từ quảng cáo trên trời về công dụng, hiệu quả.
Người đàn ông liên tục quảng cáo về công dụng thần kỳ của thực phẩm chức năng |
Chiều ngày 11/5, theo phản ánh của người dân tại thôn Ngư Tịnh, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, một nhóm thanh niên đi xe biển số 30 về bán thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, tại thời điểm người dân phát hiện và báo cho lực lượng chức năng, nhóm người này chối quanh và không xuất trình giấy tờ hợp pháp của lô hàng.
Hay trước đó, theo phản ánh của người dân ở xóm Thọ Sơn, xã Nghi Vạn, H. Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, vào đầu tháng 3 vừa qua có một nhóm người ăn mặc sang trọng ngày nào cũng tới nhà văn hoá xã giới thiệu cho bà con về công dụng “thần kỳ” của các thực phẩm chức năng qua các chương trình “giao lưu, tặng quà và chăm sóc sức khỏe”. Theo lời những người này, bất cứ ai đến tham dự cũng được nhận phần quà trị giá 120.000 đồng.
Mỗi người đến mua sản phẩm họ tặng một lọ tinh dầu xoa bóp và bắt đầu màn giới thiệu, quảng bá những sản phẩm “toàn năng, rất tốt cho người già”. Điều quan trọng nhất là, “sẽ được bán với giá cực kỳ ưu đãi”.
Bà T.T.H (65 tuổi) ở xã Nghi Vạn, H. Nghi Lộc kể, có 2 người họ giới thiệu là nhân viên Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu đến nhà văn hoá xóm. Họ cho xem nhiều đoạn video, hình ảnh… cũng như nhiều tác dụng của sản phẩm. Bị cuốn vào những lời đường mật, bà H. quyết định bỏ ra 1,5 triệu đồng để mua 3 hộp thực phẩm bổ sung SURE PRO. "Khi mua 3 hộp với giá 1,5 triệu đồng, tôi được họ tặng thêm 3 hộp nữa và 1 lọ tinh dầu xoa bóp, đồng thời hứa hẹn sau 20 ngày nữa sẽ trở lại hoàn trả toàn bộ số tiền 1,5 triệu đồng mà tôi đã mua. Nhưng chờ mãi, đến giờ hơn 1 tháng rồi cũng chẳng thấy họ quay lại…", bà H. nói.
Theo người dân, do thấy thái độ bất thường của nhóm người này, bà con bắt đầu ngờ vực, kháo nhau và bóc sản phẩm ra kiểm tra. Nhưng khi đọc mã vạch thì không thấy xuất hiện bất kỳ 1 thông tin nào về sản phẩm. “Họ bán đắt cũng được nhưng cũng phải giải thích cho đàng hoàng, cái kiểu lập lờ này chắc có gì khuất tất. Công dụng đến đâu chưa biết nhưng rõ ràng, với cách mua bán này thì chắc chắn sản phẩm trong tay không đảm bảo chất lượng" - bà H. cầm trên tay sản phẩm tiếc nuối.
Bất cứ ai đến tham dự cũng được nhận phần quà trị giá 120.000 đồng |
Qua tìm hiểu của phóng viên thì Công ty TNHH SX & TM Quốc tế Á Châu có địa chỉ ở tổ 4, ấp Bưng Cơ, xã Lộc An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Công ty này cũng chỉ mới được cấp phép hoạt động từ một năm trước, và kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng. Tuy vậy, nhưng các nhân viên công ty lại quảng cáo “thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”.
Ông Phan Công Văn - Chủ tịch UBND xã Nghi Vạn cho biết, không chỉ ở Nghi Vạn, toàn bộ 33/33 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc đều được nhóm này đến rồi lợi dụng chương trình trao quà để bán sản phẩm. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã yêu cầu dừng ngay việc tổ chức thực hiện hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Á Châu.
Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An, Công ty TNHH Á Châu có đến xin giấy phép tổ chức hội thảo tư vấn. Và những sản phẩm này đủ điều kiện lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế hội thảo tư vấn, giới thiệu sản phẩm nhưng phía công ty sau đó đã dụ dỗ người dân mua hàng. Đây là thực trạng mà nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng thường sử dụng chung “công thức” “đăng ký một đằng hoạt động một nẻo” nhằm che giấu hành vi gian dối và cản trở hoạt động thanh tra, giám sát của cơ quan chức năng.
Không chỉ miền xuôi mà ở các huyện miền núi như Tương Dương và Kỳ Sơn, tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra. Tại xã Lưu Kiền huyện Tương Dương, lâu nay thường có một nhóm 3-4 người đến từ các tỉnh phía Nam, họ giới thiệu là nhân viên Tập đoàn BTH, đi thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng và giới thiệu sản phẩm miễn phí. Với mánh khóe cũ, dưới vỏ bọc “chương trình từ thiện” lừa mua thực phẩm chức năng với giá cao.
Bà N.T.T ở xã Tam Quang kể, sau khi nghe quảng cáo, bà đã mua cao nấm đông trùng hạ thảo hồng sâm Nano Curcumin Bảo An (được tặng 1 lọ tinh dầu xoa bóp An Mộc Đơn) trị giá 1.400.000 đồng. Tuy nhiên, sử dụng được một buổi thì bị đau bụng dữ dội nên không dám dùng tiếp. Nhiều người khác mua về, vì thế cũng chẳng dám sử dụng.
Buông lỏng quản lý
Trao đổi với PV báo Công Thương, một cán bộ quản lý thị trường thừa nhận, hiện có rất nhiều các loại thực phẩm chức năng, thuốc kém chất lượng được chào bán công khai trên mạng xã hội cũng như qua hệ thống bán hàng đa cấp ở khắp các địa phương, trong đó nhiều nhất là tại các vùng quê xa xôi, nhưng việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng các sản phẩm này dường như bỏ ngỏ trong suốt thời gian qua.
Những hộp thực phẩm chức năng người dân mua với giá cao |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuỷ - Phó Phòng thanh tra pháp chế Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho rằng, hiện việc buôn bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng, đông dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép này khá nhiều. Điều gây bức xúc nhất chính là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lừa dối người tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng người dùng ngang nhiên tồn tại nhiều năm qua.
Ông Thuỷ cho hay, thời gian qua, tuy có sự phối hợp giữa các ngành tuy nhiên rất khó để giải quyết triệt để. “Bởi các nhóm người này thường đi về các vùng quê, vào các ngày cuối tuần. Việc này, chính quyền địa phương phải là đơn vị chủ chốt biết để ngăn chặn. Còn khi lực lượng quản lý thị trường nhận được thông tin thì nhóm này đã rời đi", ông Thuỷ nói.
Theo ông Nguyễn Hường - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An, thực tế phải thừa nhận cũng có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các địa phương thời gian qua đối với các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
“Lực lượng quản lý thị trường thời gian tới sẽ là chủ công, kiểm tra đối với các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang hoành hành trên thị trường, trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cũng rất cần người dân tham gia tố giác đối với các cơ sở, đơn vị bán hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng”, ông Hường nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng Phòng quản lý thương mại- Sở Công Thương Nghệ An cũng cho biết, để bảo vệ người dùng khỏi bẫy lừa từ những quảng cáo sai hoặc phóng đại quá mức tác dụng của thực phẩm chức năng, không ai khác ngoài các cơ quan có thẩm quyền giúp khách hàng "gạn đục khơi trong", chọn hàng thật, tẩy chay hàng giả.