Cốm xào: Món ăn tinh túy của ẩm thực Hà Thành Những món ăn vặt không thể bỏ lỡ vào mùa đông Hà Nội |
Mướp đắng thường có quả màu xanh lục, hình thuôn dài, bề ngoài có phần khá nhăn nheo khác biệt so với các loại quả khác. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền khác nhau, mướp đắng sẽ có các kích thước, kết cấu và vị đắng tương đối không giống nhau.
Trong mướp đắng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh minh họa |
Trong mướp đắng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt đối với sức khỏe. Nó cũng có thể làm giảm được lượng đường huyết cao và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Đây cũng là lý do vì sao mướp đắng được sử dụng ngày càng phổ biến trong cuộc sống thường ngày.
Theo Đông y, mướp đắng tính hàn, vị đắng, không độc, nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng.
Theo y học hiện đại, mướp đắng có tác dụng diệt vi khuẩn và virus, chống lại các tế bào ung thư; hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân ung thư đang chữa bằng tia xạ.
Ngoài ra, mướp đắng còn có các tác dụng dược lý sau:
- Chống các gốc tự do - nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, tiểu đường…
- Tăng ôxy hóa glucose, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào. Ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.
- Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt đối với bệnh nhân tiểu đường dạng 2.
Ở dạng nước sắc, quả mướp đắng tươi có tác dụng chữa ho, mụn trứng cá (uống trong và bôi ngoài) và rôm sảy (uống trong và bôi ngoài, khi khô thì tắm).
Cách bào chế: Mướp đắng tươi 200g cắt nhỏ, sắc 3 lần với nước, mỗi lần lấy 1 bát, tất cả cô lại còn 1 bát, chia làm 3-4 lần uống (hoặc cả uống trong, bôi ngoài) trong ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.
Nước ép quả mướp đắng tươi có tác dụng chữa tiểu đường dạng 2 mới mắc (khi chưa phải dùng tân dược), phối hợp với các loại sulfamid chữa tiểu đường dạng 2 để tăng tác dụng, giảm liều và giảm tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, nước sắc quả mướp đắng tươi cũng giúp phòng chống các bệnh tim mạch, thần kinh, ung thư, lão hóa, giảm tác hại của tia xạ với người bệnh.
Cách chế: Quả mướp đắng tươi rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ (bỏ hạt), cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ; sau đó cho vào túi vải sạch (đã tiệt trùng bằng cách luộc sôi 15 phút) vắt lấy nước, đun sôi 15 phút (nước 1). Bã cho thêm nước (1 kg quả tươi ban đầu thì cho 500 ml nước) đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 2). Bã lại cho thêm nước (1 kg quả tươi ban đầu thì cho 300 ml nước) đun sôi, để nhỏ lửa trong 15 phút, lấy ra để nguội, vắt lấy nước (nước 3). Bỏ bã, gộp cả nước 1, nước 2, nước 3 đun sôi trong 15 phút.
Chia liều: Nếu ban đầu có 1 kg quả tươi thì chia nước vắt thành 10 liều, mỗi ngày uống 1 liều ngay sau bữa ăn. Phần còn lại bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Sau khi uống mướp đắng, có thể tráng miệng bằng nước cỏ ngọt hoặc đường Aspartam (mua ở nhà thuốc) hay 1 thìa cà phê (5 ml) mật ong (nếu không bị bệnh tiểu đường thì tráng miệng bằng 1 thìa đường kính).
Một số lưu ý khi dùng mướp đắng Mướp đắng có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe nhưng chúng vẫn có khả năng gây ra tác dụng phụ khi lạm dụng lâu dài, như có thể bị khó tiêu, đầy bụng ợ hơi và tiêu chảy khi dùng quá nhiều khổ qua. Ngoài ra, cần lưu ý rằng vì mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết nên không sử dụng vị thuốc này cho những ai thường có biểu hiện hạ đường huyết. Khi dùng mướp đắng (ở mọi dạng chế biến), không được dùng huyền sâm hoặc các chế phẩm có huyền sâm. |