Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Từ đầu tháng 8 đến nay số ca lây nhiễm tại Bình Dương luôn duy trì ở 4 con số, đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh về số ca lây nhiễm. Bình Dương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân không khỏi lo lắng, tập trung mua hàng hóa tích trữ, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa theo đó cũng có biến động theo.
Lực lượng QLTT Bình Dương kiểm tra, khảo sát hàng hóa tại siêu thị trên địa bàn tỉnh |
Lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, nhiều tổ chức, cá nhân găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi bất chính. Do đó, Cục QLTT Bình Dương đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, nhằm ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa trong mùa dịch.
Ông Trần Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương cho biết, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh về việc tăng cường công tác kiểm soát tình hình giá cả thị trường và bảo đảm nguồn cung hàng hoá thiết yếu để ứng phó với dịch Covid -19.
Theo đó, Cục đã Cục đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng các địa phương trong tỉnh thường xuyên giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi bán hàng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, tăng giá bất hợp lý, hàng kém chất lượng… góp phần ổn định thị trường hàng hóa trên địa bàn.
Song song đó, Cục QLTT Bình Dương đã chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp cùng các ngành chức năng cấp huyện tiến hành nắm bắt giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, cá, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô, vật tư nông nghiệp, kinh doanh xăng, dầu, dược, trang thiết bị y tế. Đặc biệt, là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang và nhắc nhở các cơ sở kinh doanh về việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Cục QLTT Bình Dương tiếp nhận, xử lý kịp thời tất cả các thông tin phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng thông qua đường dây nóng từ Tổng đài 1022 tỉnh Bình Dương. Qua đó, đã góp phần hạn chế vi phạm về giá, không để xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, thời gian qua, Cục QLTT Bình Dương đã truyên truyền phát tờ rơi cho 576 cơ sở và cho ký cam kết 48 cơ sở đang hoạt động kinh doanh tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi với nội dung thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; không đầu cơ, găm hàng; không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả; hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân.
Chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý
Theo ghi nhận tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, giá một số mặt hàng có tăng, nhưng mức biến động không quá cao. Nhìn chung, đến thời điểm này chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hàng hóa, thực phẩm tươi sống như rau củ quả, trứng, thịt, cá…cũng như nhu yếu phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ truyền thống dồi dào, đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng. Mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch như các loại khẩu trang, nước sát khuẩn… bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Lực lượng QLTT Bình Dương tuyên truyền, vận động không tăng giá bất hợp lý, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn |
Phó Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương - cho biết, qua khảo sát của các Đội QLTT từ đầu tháng 8 đến nay, nhóm hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, các mặt hàng là vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch gồm khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn… vẫn duy trì ở mức giá cao hơn 25% tùy loại so với ngày bình thường, nhưng không có hiện tượng khan hiếm.
Trong khi đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, trứng… tại các chợ truyền thống vẫn giữ mức giá cao hơn ngày bình thường từ 50% đến 200% tùy loại. Nguyên nhân tăng giá, do chợ đầu mối nông sản, một số chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch dẫn đến thiếu nguồn cung hàng hóa, chi phí nhân công các khâu tăng cao và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao…
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm thực hiện phương thức bán hàng online và giao hàng tận nhà cho người dân. Hiện tại có 29/102 chợ truyền thống, 11 siêu thị, 239/257 cửa hàng tiện lợi còn hoạt động, 57 điểm bán hàng lưu động do Bưu Điện tỉnh tổ chức trên địa bàn 9 huyện, thị xã thành phố. Ngoài ra UBND cấp huyện còn chủ trì, phối hợp các cá nhân, đơn vị tại địa phương tổ chức các điểm bán hàng lưu động, các điểm “bán hàng 0 đồng”, mô hình “Chợ ngoài trời” mô hình “đi chợ thay” cho người dân đã góp phần ổn định thị trường và đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho người dân trên địa bàn.
Trước tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng, nguồn cung hàng hóa, các điểm kinh doanh những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn giảm dần do tiếp xúc với ca nhiễm Covid -19, nên tình hình giá cả hàng hóa lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả có dấu hiệu tăng trở lại. “Các ngành chức năng có giải pháp mở rộng nguồn, chuỗi cung ứng hàng hóa và duy trì, thiết lập các điểm bán hàng hóa thiết yếu giá bình ổn để ổn định thị trường” - Phó Cục trưởng Cục QLTT Bình Dương kiến nghị.