Để triển khai mô hình “3 xanh” (gồm nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh), ngay từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, lãnh đạo Bình Dương đã tổ chức làm việc với các hiệp hội DN, ngành hàng. Đặc biệt, tổ chức nhiều chuyến đi kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình tại các địa phương cũng như DN. Từ đó, đề ra lộ trình và có nhiều chỉ đạo sâu sát, quyết liệt nhằm tranh thủ thời gian khoanh vùng kiểm soát dịch bệnh tốt nhất, sớm mở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các địa phương “vùng xanh”.
Các doanh nghiệp Bình Dương triển khai mô hình “3 xanh” phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch |
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND Bình Dương - cho biết, các địa phương “vùng xanh” khi trở lại trạng thái bình thường mới, thì việc sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn thực hiện mô hình “3 xanh” nhằm thúc đẩy và bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những DN không đảm bảo an toàn thì phải tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung cho phòng, chống dịch.
Các địa phương phải chủ động thông báo, hướng dẫn, hỗ trợ DN, các hộ kinh doanh để chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, đảm bảo các biện pháp an toàn theo quy định trong công tác phòng, chống dịch và sẵn sàng đáp ứng các điều kiện thực hiện mô hình “3 xanh” trước khi tổ chức hoạt động trở lại.
Theo lộ trình của Bình Dương, từ ngày 23/8/2021, các địa phương “vùng xanh” sẽ tổ chức xây dựng và triển khai phương án sản xuất tại “vùng xanh” trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, các địa phương triển khai thực hiện ngay mô hình “3 xanh” tại khu vực “vùng xanh” trên cùng 1 địa bàn cấp huyện nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời UBND Bình Dương giao các đơn vị, địa phương phê duyệt phương án sản xuất tại “vùng xanh”.
Cụ thể, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Dương hướng dẫn, phê duyệt cho các DN trong các KCN. Trong khi đó, Sở Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn, phê duyệt đối với các DN trong cụm công nghiệp. UBND cấp huyện hướng dẫn, phê duyệt đối với các DN, cơ sở bên ngoài khu, cụm công nghiệp.
Khi mở mở cửa hoạt động trở lại đối với các hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, UBND Bình Dương yêu cầu các địa phương đẩy mạnh thực hiện phương án tổ chức lại sản xuất của các DN trong tình hình mới theo hướng dẫn của tỉnh, nhằm vừa đảm bảo sản xuất an toàn, vừa tránh lây nhiễm chéo từ cộng đồng từ các khu trọ, chỗ ở của công nhân vào trong DN và ngược lại.
Đặc biệt, DN sản xuất kinh doanh phối hợp với ngành y tế thực hiện xét nghiệm sàng lọc PCR trước khi công nhân vào nhà máy sản xuất và cấp giấy đi đường cho công nhân, người lao động di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc. Đồng thời đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc trên các địa bàn thuộc khu vực “vùng xanh”.