Là loại phương tiện tiện lợi, xe điện (xe máy điện, xe đạp điện) hiện nay được sử dụng khá phổ biến, nhất là với các bạn học sinh, sinh viên hoặc những người chưa có giấy phép lái xe. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp bình acquy/pin của xe điện tự phát nổ hoặc chập điện trong quá trình sạc pin khiến rất nhiều người hoang mang.
Có rất nhiều vụ cháy xảy ra liên quan đến xe điện gây thiệt hại nghiêm trọng, như ngày 16/01/2022 tại bãi xe tầng trệt tháp 5, chung cư Masteri Thảo Điền, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức.
Hay một vụ khác xảy ra tại Hà Tĩnh vào ngày 25/9/2020, tại phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh làm cháy rụi ô tô 05 chỗ, nguyên nhân vụ cháy do sạc xe máy điện.
Ngày 13/7/2023, tại phường Trung Sơn (thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) một vụ hỏa hoạn đã xảy ra khiến 2 người chết. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được xác định, ắc quy xe điện bị chập khi đang sạc dẫn đến cháy nổ.
Quá trình sạc điện ắc quy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Ảnh Cấn Dũng |
Gần đây nhất, ngày 19/7/2023 tại thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) xảy ra hỏa hoạn tại ngôi nhà ở kết hợp với kinh doanh xe đạp, xe máy điện. Vụ cháy đã làm 3 người trong gia đình tử vong.
Xe đạp điện, xe máy điện và cả ô tô điện cháy thời gian qua nguyên nhân chính là do công nghệ giải nhiệt trong vận hành không giải quyết được nên nhiều vụ cháy đã xảy ra.
Hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu về cháy do pin có trong các thiết bị, phương tiện, đây là thực tiễn và cũng đặt ra bài toán cho Viêt Nam trong việc giải quyết các vụ cháy về pin.
Trong khi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang tranh luận và loay hoay với các quy định về phòng cháy chữa cháy ( chặt hay không chặt) thì hàng tuần, hàng tháng tin về các vụ cháy khiến thiệt hại về người và tài sản vẫn tiếp tục xảy ra và công tác phòng cháy, chữa cháy chưa có nhiều tiến triển.
Trước các vụ cháy, nổ do pin xe điện hay trong quá trình sạc pin xe điện, hiện diện của các cơ quan quản lý trong việc đưa ra giải pháp hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị, phương tiện có pin hầu như rất mờ nhạt, giải pháp chữa cháy khi hỏa hoạn, cháy nổ do pin gây ra cũng vậy.
Chúng ta thử tưởng tượng với khoảng 27 triệu hộ gia đình ở Việt Nam, hiện rất nhiều hộ gia đình đều sở hữu cho mình xe đạp điện và cả ô tô điện cùng với các thiết bị sử dụng có pin sạc khác trong gia đình như; quạt tích điện, điện thoai… đều tiềm ẩn các nguy cơ cháy, nổ hay chập điện trong quá trình sạc pin.
Vậy xe đạp điện để đâu? Ô tô còn để ngoài trời, chứ đa phần các xe đạp điện hiện nay đều để trong nhà. Mặc dù, tất cả các xe điện được bán và lưu thông trên thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn về chất lượng theo quy định của cơ quan quản lý. Tuy nhiên lại chẳng có cơ quan nào hướng dẫn người dân sử dụng như thế nào thì an toàn? Sạc điện phải đảm bảo những yếu tố nào?
Tại các tòa nhà chung cư xe điện có khu vực riêng để phục vụ cho việc sạc pin. Ảnh Cấn Dũng |
Hầu hết các ngôi nhà do dân tự xây dựng hiện nay không phải nhà nào cũng có hệ thống điện đảm bảo an toàn để sạc xe đạp, xe máy điện hay ô tô điện. Việc quá tải dẫn đến chập, cháy là điều không tránh khỏi? Vậy ai sẽ có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng. Điều này trước hết thuộc về doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối bán hàng. Tiếp theo là đến cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy.
Bản chất vấn đề ở đây là chúng ta chưa có những nghiên cứu về vấn đề cháy, nổ của các loại pin đang được lưu thông ngoài thị trường, cơ quan quản lý cũng chưa phân tích được nguy cơ của các loại pin có trong các sản phẩm mà người dân đang sử dụng để có hướng dẫn, hay khuyến cáo cần thiết (một phần của giải pháp phòng cháy).
Đến khi hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra công tác chữa cháy cũng chưa phát huy hiệu quả, chúng ta đề ra 4 tại chỗ: Phương tiện tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư - hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
Tuy nhiên các vụ cháy vừa qua cho thấy nhân lực tại chỗ thì có, vật tư hậu cầu chỗ có, chỗ không. Những chỗ có thì với bình xịt tay đó liệu có thể dập tắt được các đám cháy do nổ pin mang lại nhất là khi phát hiện ra thì đã bùng phát thành đám cháy lớn? câu trả lời chắc chắn là không.
Về phương tiện tại chỗ, thử hỏi với các xe cứu hỏa hiện nay đang có tại các lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp mặc dù hiện đại nhưng với đặc thù “to lớn- cồng kềnh” trong khi đường phố đô thị thường nhỏ, hẹp chưa nói đến tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tắc đường, khi đến nơi thì đám cháy chẳng còn nhiều cơ hội để cứu vãn. Hay các vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng xe thang hiện nay chỉ đến được tầm cao 25m ( tương đương tòa nhà 9 tầng), nếu cao hơn nữa công tác cứu nạn và chữa cháy hết sức khó khăn và để đưa thiết bị chữa cháy đến được các tầng cao đó cũng là điều không tưởng.
Các khu dân cư đa phần mới chỉ được hướng dẫn về sử dụng thiết bị chữa cháy. Ảnh BN |
Chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều về công tác phòng cháy chữa cháy, người dân cũng nghe rất nhiều, nhưng cái người dân cần là có hướng dẫn chi tiết cho người dân trong sử dụng các sản phẩm dễ gây cháy nổ được an toàn? Ví dụ: Hệ thống đường điện gia đình anh A trong đó dây điện phải đảm bảo tiết diện, lõi đồng, số sợi đồng, điện áp, dòng diện…như thế nào để đảm bảo phụ tải khi anh sạc pin xe đạp điện/ xe máy điện hay thậm chí ô tô điện mới đảm bảo an toàn không bị quá tải dẫn đến chập/cháy.
Cơ quan quản lý phòng cháy, chữa cháy phải có hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng: Gia đình/doanh nghiệp thương mại/ doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, trong khu dân cư… phải cụ thể để doanh nghiệp, người dân biết mình phải bắt đầu từ đâu và phải làm những gì?
Thiết bị, phương tiện phòng cháy chữa cháy được quảng bá là hiện đại…, tuy nhiên khi xảy ra ra cháy là không giải quyết được vậy vấn đề nằm ở đâu? Công nghệ không phải lúc nào cũng giải quyết được? Chúng ta liệu có cấm được xe điện không khi đó đang là xu thế chung của thế giới? Vậy phải có giải pháp khi xảy ra cháy và phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho người sử dụng?
Ngay cả vấn đề cấp phép phòng cháy, chữa cháy vừa qua cũng vậy, chúng ta ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn bên cạnh nhiều nội dung chưa sát với thực tế thì không có một hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp phải thực hiện từng bước như thế nào dẫn đến mỗi địa phương hiểu và xử lý theo các cách thức khác nhau khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, chi phí để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ. Đây cũng được coi là “rào cản” vô hình trong hội nhập.
Tất cả những tồn tại đang xảy ra cho thấy tư duy quản lý hiện không theo kịp hoặc không bắt kịp với thực tiễn đã và đang diễn ra.