Hạ thấp tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy cần nghiên cứu, xem xét kỹ Ngày 20/7: Đối thoại chính sách về phòng cháy chữa cháy với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp |
Sáng nay 20/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về phòng cháy, chữa cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) đã cùng với các đơn vị chức năng của Bộ Xây dựng, Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đối thoại trực tiếp với gần 300 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong và ngoài nước để nhằm giải đáp các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Chương trình đối thoại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc |
Hoạt động nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu và áp dụng các quy định pháp luật, các quy chuẩn - tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là đối với QCVN:06-2022/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ Xây dựng ban hành; QCVN:03-2021/BCA - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy do Bộ Công an ban hành và TCVN 3890:2023 về phòng cháy chữa cháy – phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) - cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 7/10/2022 chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và CNCH. Qua rà soát, kiểm tra phát hiện có 47.719 cơ sở trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại |
Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng ban hành văn bản hướng dẫn, thành lập các tổ công tác thường trực theo dõi, hướng dẫn Công an các địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thiết lập đường dây nóng của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an 63 địa phương để chủ động tiếp nhận thông tin, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy cũng như tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC khu vực miền Bắc, Trung, Nam...
"Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khoảng 10.000 cơ sở, tính đến nay còn 38.140 cơ sở hiện hữu trên tổng số 1.182.722 cơ sở được rà soát (chiếm 3,22%) đã đưa vào hoạt động còn tồn tại, không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục. Trong đó chủ yếu là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 26,2%); cơ sở lưu trú (chiếm 14,5%); cơ sở giáo dục (chiếm 12,8%); cơ sở công nghiệp (chiếm 12,1%); cơ sở công cộng (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa...) chiếm 11,1%; cơ sở thương mại chiếm 8,3%; cơ sở nhà chung cư, nhà ở ký túc xá (chiếm 4,3%)...", Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Một trong nhiều nội dung được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đối thoại tập trung đến các vấn đề: Chi phí đầu tư cho các thiết bị phòng cháy, chữa cháy quá lớn với nhiều quy định ngặt nghèo được doanh nghiệp cho là chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cùng với đó là yêu cầu về đội ngũ nhân lực chữa cháy chuyên ngành; các vấn đề liên quan đến thay đổi công năng trong các tòa nhà phục vụ kinh doanh, bán lẻ, tiêu dùng, kho hàng, kinh doanh xăng dầu; vật liệu chống cháy; lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động cho nhà kho; hay cùng một vấn đề mỗi địa phương lại hiểu và thực hiện khác nhau nhất là đối với các đơn vị có hệ thống bán lẻ trên toàn quốc....
Ông Nguyễn Hồng Hải - Đại diện Hiệp hội đại lý môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam - cho biết: Theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như: Xe chữa cháy, tàu chữa cháy rồi nguồn lực chuyên ngành triển khai ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, nhân lực triển khai...điều này sẽ làm tăng chi phí logistics qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam...
Ông Hải đã kiến nghị bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển; cho phép các doanh nghiệp cảng thuộc cùng một khu vực cụm cảng được sử dụng chung phương tiện xe, tàu chữa cháy. Các phương tiện này sẽ do cơ quan nhà nước (Cảng vụ, Công an phòng cháy chữa cháy) tại từng khu vực cảng biển đảm nhận trang bị và thu phí (nếu có sự cố xảy ra)...
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng Ban pháp chế khẳng định: Công tác phòng cháy chữa cháy đóng vai trò rất quan trọng, việc phát hiện sớm những nguyên nhân gây ra cháy nổ, giúp tránh những trường hợp xấu xảy ra và làm thiệt hại người và tài sản của cá nhân và cộng đồng.
Để thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy đơn vị kinh doanh cảng biển phải chi phí thêm cả trăm tỷ đồng, điều này sẽ làm tăng chi phí logistics- Ảnh: đại diện Hiệp hội đại lý môi giới và DVHH Việt Nam trao đổi thông tin tại buổi đối thoại. |
"Những tiêu chuẩn, thủ tục phòng cháy chữa cháy cũng liên quan đến sự thuận lợi và hấp dẫn của môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Chi phí vừa phải, thủ tục dễ dàng, quy trình minh bạch thì doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi. Ngược lại chi phí quá tốn kém, thủ tục quá phức tạp, quy trình không minh bạch ảnh hưởng đến phát triển doanh nghiệp, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, sẽ làm giảm tính cạnh tranh và sau đó đến tăng trưởng kinh tế, việc làm thu ngân sách"- ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn: Qua phản hồi của doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục phòng cháy chữa cháy và theo khảo sát của VCCI thì đây là nhóm thủ tục nằm trong nhóm 4 khó khăn nhất (cùng với đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội…).
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương - Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho rằng, hiện nhiều nội dung trong Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy còn thiếu tính thực tế không sát với tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương ( ngoài cùng bên phải) chia sẻ thông tin tại buổi đối thoại |
"Tuy nhiên trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến cho dự thảo, chúng tôi đã gửi dự thảo đến 50 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trong nước và 39 hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài để xin ý kiến góp ý. Kết quả chỉ có 1/50 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trong nước gửi ý kiến đóng góp trong khi đó hầu hết các Hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài đều gửi ý kiến. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nước thiếu tính chủ động và chỉ khi vấn đề phức tạp xảy ra mới đưa ra ý kiến"- ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương nhấn mạnh.
Hiện QCVN:06-2022/BXD đang được Bộ Xây dựng sửa đổi và sẽ đưa ra lấy ý kiến vào cuối tháng 7. Đồng thời, để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang tích cực tham mưu cho Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và triển khai nhiều giải pháp để hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy. |