Cách mạng Công nghiệp 4.0 đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các hoạt động của đời sống xã hội. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong tương lai nền kinh tế số sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế số là cơ hội lớn để phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực.
![]() |
Đứng từ gốc độ của một chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Phước (Phuoc Alan), người đã nhiều năm làm việc và nghiên cứu về kinh tế số tại các công ty: Đại Nam Group, VIP English, Fungroup… Thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Tài chính – Marketing Tp.Hồ Chí Minh, nhận định: “Nhìn vào sự chuyển động của kinh tế toàn cầu có thể khẳng định nền kinh tế online sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới. Nếu quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra thành công và nhanh chóng, kinh tế số sẽ hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ, vừa tới siêu nhỏ thông qua các nền tảng thương mại điện tử đến với những thị trường lớn cả trong và ngoài nước.”
Có thể thấy, sự phát triển kỹ thuật số với tốc độ chóng mặt đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu. Điển hình, tại Trung Quốc kinh tế số chiếm khoảng 15% GDP vào năm 2008 và đến năm 2019, kinh tế số đã chiếm đến 37% GDP. Có khá nhiều doanh nghiệp đã trở thành những gã khổng lồ công nghệ với năng lực phát triển và khả năng cạnh tranh toàn cầu mạnh mẽ.
Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP và đến năm 2030 chiếm 30% GDP. Văn kiện nhấn mạnh kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình phát triển chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, theo báo cáo nghiên cứu của Google và Temasek, kinh tế số của Việt Nam dự báo đạt khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025. Tương tự, tổ chức Data61 (Australia) trong một nghiên cứu cũng đã dự báo GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.
Nhận xét về sự phát triển kinh tế số của Việt Nam, ông Phuoc Alan cho hay: "Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức vừa là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng trong phát triển kinh tế đất nước. Có thể thấy được dư địa phát triển của các cấu phần kinh tế số Internet và kinh tế số ngành đang còn khá lớn nếu khơi thông được nguồn lực này sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.”
![]() |
Chuyên gia kinh tế Phuoc Alan |
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh đến Việt Nam, tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn với nền kinh tế thế giới, tranh thủ các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế số ở Việt Nam hiện đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Có thể kể đến như sự mất cân bằng giữa các lĩnh vực, vùng miền; những đối tượng ở vùng sâu vùng xa, khó khăn trong tiếp cận kinh tế số; giải quyết các vấn đề pháp lý, quyền riêng tư của người dùng, an ninh mạng; nhận thức, thói quen và chất lượng về nguồn nhân lực chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số.
Để khắc phục những khó khăn trên và thực hiện mục tiêu đề ra, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tập trung phát triển các lĩnh vực, các ngành bằng cách áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trên các nền tảng ứng dụng, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; hoàn thiện, chính sách, thể chế pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng và phát triển một cách đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối thống nhất và đồng bộ để tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.