Đồng Nai: Mở rộng kênh phân phối hàng Việt Trà Vinh đưa hàng Việt đến người tiêu dùng nông thôn |
Tiếp tục mở rộng các Điểm bán hàng Việt Nam
Mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” được tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2015 từ nguồn kinh phí Trung ương và địa phương. Tính đến thời điểm này, Phú Yên đã có gần 70 Điểm bán được hình thành. Trong đó, có 10 Điểm bán được mở mới tại thị xã Đông Hòa, các huyện Phú Hòa, Đồng Xuân, Tuy An từ đầu năm 2024 đến nay.
Người dân thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) mua hàng tại Điểm bán hàng Việt Nam Trang Duy. Ảnh: Võ Phê |
Ông Nguyễn Hải Triều - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho biết, để xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định, đơn vị đã phối hợp với các địa phương khảo sát nguồn hàng, quy mô cơ sở, cửa hàng…; nếu đảm bảo các tiêu chí thì mới được hỗ trợ hình thành điểm bán. Do đó, khi đã được gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam, Sở Công Thương yêu cầu các điểm bán tuân thủ quy định về nhãn mác, hóa đơn chứng từ; lựa chọn hàng Việt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ; bán hàng có niêm yết giá; tránh trường hợp bán hàng giả, kém chất lượng… Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi, thường xuyên kiểm tra, giám sát để các điểm bán thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, gắn kết hàng Việt Nam với người tiêu dùng.
Là xã có các Điểm bán hàng Việt Nam cố định, ông Hồ Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh (tỉnh Phú Yên) – cho hay, do các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ gắn biển Điểm bán hàng Việt Nam tại những vị trí thuận lợi cho việc đi lại, mua sắm hàng hóa của người dân. Bên cạnh đó, địa phương luôn vận động chủ các Điểm bán hàng chú trọng cung cấp hàng hóa có chất lượng tốt để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, hội đoàn thể tăng cường quảng bá hàng Việt Nam, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng hàng Việt Nam. Công tác này góp phần chuyển biến nhận thức, thói quen, nhu cầu sử dụng hàng Việt của người dân.
Theo một chủ cửa hàng tại thôn Lãnh Vân, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nếu trước đây, cửa hàng có khoảng 80% hàng Việt Nam, nay số lượng hàng Việt Nam trưng bày tại cửa hàng đã tăng lên 95% với gần 1.000 mặt hàng các loại. Hàng hóa đều được nhập từ các công ty sản xuất trong nước, có hóa đơn chứng từ, nhãn mác đầy đủ.
Đa dạng các giải pháp lan tỏa Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt
Không chỉ mở rộng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh Phú Yên, năm 2023, thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư được cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quan tâm. Nội dung Cuộc vận động được đưa vào tiêu chí thi đua trong thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị.
Thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trong tỉnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh, trong nước; thường xuyên đăng tải các thông tin về thị trường, giá hàng hóa, nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và tuyên truyền theo các hình thức như trước đây như: Treo pano, áp phích; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng…, một nét nổi bật trong giai đoạn hiện nay là Ban Chỉ đạo Cuộc vận động đã thực hiện Cuộc vận động gắn liền với việc xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản địa phương…
Có thể khẳng định, Cuộc vận động đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến trong nhận thức, thái độ và hành vi ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong xã hội. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh đã đồng hành cùng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như: Phát triển hệ thống nhà bán buôn, bán lẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm; thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng, tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng...
Với việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động một cách chủ động, đúng hướng, kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương, thông qua việc tổ chức phiên chợ hàng Việt để giới thiệu hàng Việt về nông thôn, miền núi, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, phát triển các Điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, hàng Việt ngày càng ăn sâu, bén rễ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, theo nhiều người tiêu dùng, cùng với công tác tuyên truyền, quảng bá, câu chuyện chinh phục họ chính là ở nội tại của hàng Việt Nam. Theo đó, hàng Việt Nam liên tục có mẫu mã mới, sản phẩm đa dạng và dùng rất tốt, giá phải chăng, phù hợp với nhu cầu, túi tiền của người dân.
Có thể khẳng định, cùng với chất lượng, giá cả, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, có thể thấy, việc tuyên truyền để người dân biết và yêu thích hàng Việt là yếu tố không kém phần quan trọng. Do đó, trong năm 2024 và những năm tới, các thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Cuộc vận động; kết hợp và mở rộng phạm vi thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng số... giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, có đủ thông tin để đánh giá, so sánh, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển...