Đưa sản phẩm OCOP Lạng Sơn lên sàn thương mại điện tử Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao |
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất cây ăn quả có múi, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất chè, rau an toàn và rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều loại nông sản và đặc sản độc đáo, phong phú như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương làng Cổ Đất Tổ, Bún Gạo Hùng Lô… Trên địa bàn tỉnh hiện có 396 hợp tác xã nông nghiệp, 350 trang trại, 272 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn.
Về sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tính đến hiện nay tỉnh Phú Thọ đã có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm 3 sao, 46 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chủ yếu ở nhóm thực phẩm chiếm trên 80%. Đây là những sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của từng địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Xác định hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, những năm qua, ngành Công Thương Phú Thọ đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào tiềm năng, thế mạnh từng sản phẩm, nhóm sản phẩm.
Để người tiêu dùng biết đến các sản phẩm OCOP, việc tham gia các hội nghị xúc tiến, hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh được ngành Công Thương “khai thác” tối đa như tham gia vào hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu, hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản tỉnh Phú Thọ...
Ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết: “Việc tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP không chỉ là cơ hội để xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các tổ chức doanh nghiệp, nhà phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh mà còn là cơ hội để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là các thị trường khó tính, đòi hỏi các yêu cầu khắt khe”.
Khai trương điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Phú Thọ |
Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng duy trì một điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công Thương - Sở Công Thương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, doanh nghiệp xây dựng trên 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại thành phố Việt Trì và các huyện, thị. Các điểm bán hàng đều được sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt, bày bán đa dạng các sản phẩm, từ sản phẩm đã qua chế biến đến các loại thực phẩm tươi sống.
Việc phát huy lợi thế của các siêu thị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh làm địa điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm cũng được chú trọng, ngành Công Thương đã phối hợp với các chủ thể nỗ lực đưa sản phẩm OCOP có mặt trên các kệ hàng siêu thị. Ông Huỳnh Nguyên Hà - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Việt Trì cho biết: “Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đánh giá theo tiêu chí cụ thể, được phân hạng và “gắn” sao, giúp nhà sản xuất, người tiêu dùng định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để chúng tôi lựa chọn sản phẩm bày bán trong hệ thống. Hiện nay, tại Siêu thị có trên 30 sản phẩm OCOP của tỉnh được bày bán, trong đó chủ yếu là các sản phẩm như: Mì gạo, rau an toàn, thịt chua, chè xanh...”.
Coi thương mại điện tử là “bệ phóng”
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Phú Thọ, xác định thương mại điện tử là công cụ xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả với chi phí thấp, không phụ thuộc vào không gian và thời gian, ngành Công Thương đã khai thác lợi thế để quảng bá sản phẩm thông qua việc duy trì đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Giaothương.net.vn; nongsan.phutho.gov.vn; Agritech Expo; Postmart-VNPost và trên hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia (Ocopvietnam.gov.vn), phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử giaothương.net.vn với 309 gian hàng, 956 sản phẩm dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sau dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Người tiêu dùng hướng tới những nền tảng có tính tương tác cao để mua sắm, nhất là đối với các đặc sản, nông sản, sản phẩm OCOP. Do đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với TikTok Shop Việt Nam hỗ trợ về cơ sở vật chất, livestream bán hàng, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.
Sự kiện livestream bán các sản phẩm OCOP Phú Thọ với sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok |
Mới đây nhất, chương trình “Chợ phiên OCOP về miền đất Tổ” đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, TikTok Việt Nam và KOLIN MCN (Đơn vị chuyên đào tạo kinh doanh trên nền tảng số) tổ chức. Trong chương trình, sự kiện livestream bán các sản phẩm OCOP Phú Thọ đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cụ thể, 6 chủ thể tiêu biểu gồm có: Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika food với hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại. Thông qua sự hỗ trợ quảng bá đến từ các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok như: diễn viên Hoàng Kim Ngọc, Vũ Diệu Thúy, Huyền Trang uy tín, Đàm Đức, Hoa thịt chua, Bảo Ngọc Aerobic, Hạnh Tây Bắc TV, Vũ Trà My, Sùng Tủa, Cô Gái…
Với mục tiêu để các sản phẩm OCOP của tỉnh có “chỗ đứng” vững chắc, cạnh tranh hiệu quả trên kệ các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trên sàn thương mại điện tử, thời gian tới, ngành Công Thương Phú Thọ cho biết, sẽ cùng các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp chặt chẽ với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh, một số địa bàn lân cận để có cơ chế ưu đãi thu hút các chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích chủ thể có sản phẩm đạt OCOP chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, hoàn thiện các yêu cầu cần thiết như: Tem truy xuất nguồn gốc, phiếu đánh giá chất lượng sản phẩm, hóa đơn và mẫu mã, bao bì sản phẩm để khi đưa vào hệ thống siêu thị thu hút người tiêu dùng.