Longform
30/08/2023 11:22
Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

30/08/2023 11:22

Kế thừa những ưu điểm của các loại bánh nổi tiếng trên vùng đất Đô Lương, bánh đa vừng Vĩnh Đức mang nhiều nét đặc sắc để trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.
Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Nhắc đến ẩm thực xứ Nghệ không thể không nhắc đến bánh đa vừng làng nghề Vĩnh Đức (huyện Đô Lương, Nghệ An). Kế thừa những ưu điểm của các loại bánh nổi tiếng trên vùng đất Đô Lương, bánh đa vừng của làng nghề Vĩnh Đức còn mang những nét đặc sắc để trở thành sản phẩm OCOP 3 sao Nghệ An.

Người làm bánh đa ở Đô Lương thậm chí còn không nhớ được nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ làm ra những chiếc bánh đa vừng thơm ngon gánh đến chợ bán. Bánh đa Đô Lương giản dị là một món quà quê, được các bà, các mẹ dúi vào tay ăn khi đói lòng; là một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ Tết… Song đây cũng là một món ăn gợi nhớ ký ức của không ít người con xa quê.

Bánh đa vừng Vĩnh Đức đạt chứng nhận OCOP 3 sao

Bánh đa vừng Vĩnh Đức là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Nghệ An, có truyền thống 300 năm. Không giống như bánh đa các vùng miền khác, ngoài nguyên liệu truyền thống là bột gạo và vị bùi bùi của vừng đen, hoặc vừng trắng, bánh đa Đô Lương còn có vị cay nồng của tiêu, tỏi. Ngày nay, nắm bắt nhu cầu thị trường, cùng với việc duy trì sản xuất loại bánh đa vừng truyền thống từ bột gạo, người dân làng Vĩnh Đức còn sáng tạo các loại bánh đa vừng từ gấc, khoai lang tím… Mặc dù khác biệt so với phương thức truyền thống nhưng vẫn giữ được hương vị của bánh, giúp thương hiệu bánh đa Vĩnh Đức đứng vững trong lòng khách hàng, nâng tầm thành sản phẩm OCOP.

Trải qua 300 năm, người dân làng Vĩnh Đức (thị trấn Đô Lương, Nghệ An) vẫn luôn duy trì và phát triển nghề làm bánh đa. Để có một chiếc bánh đa thơm ngon, hấp dẫn, người làm bánh phải trải qua rất nhiều công đoạn, kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu đến chế biến, sản xuất.

Làng nghề bánh đa nằm cạnh sông Lam với nguồn nước ngọt quanh năm cộng với đôi bàn tay khéo léo mà người dân đã tạo ra những chiếc bánh rất đặc trưng. Làng nghề này hiện có khoảng 60 hộ làm nghề, trong đó 70% làm nghề bánh đa. Hiện làng nghề còn khoảng 10 hộ sản xuất quy mô lớn, còn lại là hộ gia đình khác làm các loại kẹo lạc.

Bánh đa vừng truyền thống của huyện Đô Lương thường được người làm nghề tráng bằng tay. Ông Nguyễn Văn Công - Tổ trưởng Tổ hợp tác Làng nghề bánh đa - kẹo lạc ở thị trấn Đô Lương - cho biết “Nghề tráng bánh đa vừng ở huyện Đô Lương đã có từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Có những hộ làm nghề đến nay đã là đời thứ 10, thứ 11 trong dòng họ chuyên sản xuất bánh đa vừng. Khoảng 2 năm nay, nhiều hộ làm nghề đã đầu tư mua thêm máy móc để nâng cấp các khâu sản xuất như tráng bánh, hấp bánh. Việc tạo khuôn bánh và hấp bánh bằng máy giúp cho bánh đồng đều, rút ngắn thời gian, công sức lao động…” - ông Nguyễn Văn Công cho biết.

Gia đình bà Đinh Thị Chung (55 tuổi) là một trong những hộ làm nghề bánh đa lâu đời ở làng Vĩnh Đức chia sẻ “Từ nhỏ, tôi theo bố mẹ làm bánh đa. Cứ thế, nghề làm bánh đa theo tôi cho tới bây giờ. Trước đây, chúng tôi chỉ sản xuất bánh đa vừng đen truyền thống. Từ năm 2021, con gái đã làm thêm bánh đa khoai lang tím, bánh đa gấc... Sản phẩm này được khách hàng rất ưa chuộng, làm đến đâu hết đến đó”, bà Chung nói.

Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Theo bà Chung, mỗi ngày gia đình bà sản xuất thủ công khoảng 1.000 - 1.500 chiếc bánh đa. Giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/10 chiếc bánh đa sống. Với bánh đa gấc, khoai lang tím có giá 30.000 – 35.000 đồng/10 chiếc.

Cách đó không xa là cơ sở sản xuất của bà Võ Thị Hiền (49 tuổi). Ngoài người thân trong gia đình, bà Hiền còn thuê thêm khoảng 10 nhân công làm việc. Trung bình, mỗi ngày, xưởng bánh của bà cung ứng ra thị trường hơn 17.000 bánh đa. Từ sáng sớm, mỗi người được phân công nhiệm vụ rõ ràng từ xay gạo, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh… cho đến đóng gói sản phẩm. Bánh đa được nướng bằng tay trên than hồng sẽ "dậy mùi" hơn, giòn hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Theo người dân làng nghề, bánh sau khi hấp chín được rải trên các tấm đan bằng tre, nứa để phơi khô bằng ánh nắng mặt trời. Để chiếc bánh không bị cong, vênh, cứng và đẹp mắt thì phải “canh” bánh, người thợ phải trở bánh liên tục. Càng nắng to thì người làm bánh càng thích.

Đa dạng sản phẩm chinh phục

thị trường

Cùng với thành công của bánh đa vừng truyền thống, những người trẻ ở làng nghề Vĩnh Đức đã “biến tấu” bằng cách thêm màu sắc từ nhiều nguyên liệu nông sản như khoai lang tím, nếp cẩm, gấc, dừa… để phù hợp với khẩu vị của khách hàng.

Bánh đa vừng làm từ gấc, khoai lang tím kỳ công hơn các loại bánh khác. Gấc được tách hạt, xay lên với gạo. Còn với bánh đa khoai lang tím, khoai được hấp chín, xay nhuyễn, thêm ít sữa đặc để dậy mùi sau đó xay cùng gạo.cBánh đa vừng làm từ gấc, khoai lang tím được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên nên được thị trường khá ưa chuộng. Thậm chí những người muốn giảm cân thường chọn sản phẩm này để ăn kiêng. Vì vậy sản phẩm này làm ra không lo bị ế – em Nguyễn Thị Nhàn (SN 1995, con gái bà Chung) cho hay.

Bánh đa vừng khoai lang tím, bánh đa gấc là sản phẩm mới được các hộ làm nghề sáng tạo, bước đầu được thị trường đón nhận. Sản phẩm làm ra luôn được tiêu thụ hết, ít khi có hàng tồn.

Bánh đa Vĩnh Đức được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước ưa chuộng đặt mua. Hiện sản phẩm cũng đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng trên cả nước. Các sản phẩm bánh đa vừng của các làng nghề này đều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, được xuất khẩu sang nhiều thị trường ngoài nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Trở lại câu chuyện về sản phẩm mới là bánh đa sắc màu, có thể thấy đang có sự kế thừa và giao thoa giữa thế hệ trẻ, sáng tạo với những người thợ làm bánh truyền thống lâu năm ở làng nghề này.

Thực tế cho thấy, làng nghề đa tráng truyền thống vốn cưu mang hàng ngàn hộ dân nhưng đã từng trải qua không ít quãng thời gian thăng trầm như nguyên liệu biến động, áp lực cạnh tranh thị trường. Áp lực càng lớn nếu như làng nghề vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và chậm áp dụng công nghệ mới vào khâu sản xuất cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao ở những thị trường xuất khẩu khó tính.

Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Để nghề bánh tránh truyền thống Vĩnh Đức có thêm sức sống mới, các hộ làm nghề Bánh đa Vĩnh Đức mong rằng cần có những ưu đãi về thuế, về vốn vay. Đồng thời, để thương hiệu “Bánh đa vừng Vĩnh Đức” tiếp tục vươn xa và tiến tới xuất khẩu rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc làng nghề nông thôn.

"làn gió mới"

Ngoài các hộ sản xuất tại Làng nghề bánh đa - kẹo lạc Vĩnh Đức, trên địa bàn huyện Đô Lương còn có nhiều làng nghề bánh đa khác có truyền thống lâu đời như ở các xã Thượng Sơn, Nhân Sơn… Thương hiệu bánh đa vừng Lương Sơn, Nhân Sơn (huyện Đô Lương) cũng là sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm của thương hiệu bánh đa vừng Lương Sơn được xuất khẩu chào hàng sang thị trường lớn là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Campuchia, đã được người tiêu dùng đón nhận ngay, thậm chí là “ghiền” nhờ loại bánh vừa có vị khác lạ, vừa ngon, hợp khẩu vị.

Lựa chọn khởi nghiệp bằng chính sản vật địa phương - thương hiệu bánh đa vừng Lương Sơn, đôi bạn trẻ 9X là Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Bá Thắng đã đầu tư nhà xưởng hiện đại. Các công đoạn từ làm bột, tráng bánh, phơi bánh đều được tự động hóa bằng dây chuyền, máy móc với sản lượng lên đến 40 triệu bánh/năm, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương.

Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ngoài mở rộng thị phần trong nước, thời gian qua, cơ sở đã tìm mọi cách để kết nối, tiếp thị sản phẩm bánh đa ra các nước. Ban đầu, thông qua con em địa phương đi xuất khẩu lao động, bánh đa vừng - đặc sản của Đô Lương được xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch, số lượng vài trăm chiếc đến vài nghìn chiếc/chuyến. Thị trường chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan.

Năm 2021, thông qua một công ty đối tác trong hội nhóm hàng xuất khẩu, những chiếc bánh đa đầu tiên của Đô Lương được xuất sang thị trường Nhật Bản với số lượng nửa container. Anh Nguyễn Ngọc Phương cho biết, thị trường Nhật Bản đòi hỏi sản phẩm rất khắt khe, từ truy xuất nguyên liệu đầu vào, chất lượng, mẫu mã, trọng lượng chính xác đến từng gram, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, quy trình sản xuất bánh đa vừng đều được đối tác kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chặt chẽ.

Trong năm 2022, công ty đã xuất sang thị trường Nhật Bản 1 triệu chiếc bánh đa vừng, giá trị 2,2 tỷ đồng, được phân phối ở các siêu thị, đại lý tạp hoá ở Nhật. Đây chính là hướng mở để bánh đa Đô Lương “rộng đường xuất ngoại”, vươn đến thị trường các nước khác.

Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Anh Nguyễn Ngọc Phương - Giám đốc Kinh doanh, Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh thực phẩm Lương Sơn cho biết: “Chất lượng bánh của chúng tôi sản xuất ra rất đồng đều, giữ hương vị truyền thống. Sản phẩm đã được bình chọn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2020 và được nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để tạo ra sản phẩm sạch, chúng tôi chú trọng từ khâu chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất. Nguyên liệu phải rõ nguồn gốc từ mảnh đất Đô Lương. Lao động đều được trang bị kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Ngay cả từ khóa “Bánh đa vừng Lương Sơn” cũng trở nên phổ biến trên mạng xã hội như Youtube, Facebook và một số website. Những người quan tâm đến thương hiệu này khi truy cập trên mạng Internet sẽ dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin cung cấp cho người xem từ quá trình chọn nguyên liệu, tráng bánh và đóng gói thành phẩm.

Để có thêm “làn gió mới” của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thì làng nghề truyền thống ở Đô Lương nên có thêm những cửa hàng trưng bày sản phẩm, trưng bày những hiện vật về nghề tráng bánh. Ngoài ra, có thể thành lập tour du lịch trải nghiệm từ TP. Vinh đến làng nghề Bánh đa Vĩnh Đức và nồi đất Trù Sơn.

Longform | Bánh đa vừng Vĩnh Đức: Từ làng nghề truyền thống đến sản phẩm OCOP 3 sao

Đánh giá về các sản phẩm OCOP của làng nghề Nghệ An, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết: Chương trình OCOP là sân chơi lành mạnh, phát triển tiềm năng của địa phương, nâng cao lợi thế cạnh tranh từ chất lượng đến hình thức sản phẩm.

Để sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, ngoài chất lượng từ bên trong như nguyên liệu sản xuất, công nghệ máy móc, quy trình giám sát chặt chẽ… thì còn cần bao bì, nhãn mác, thương hiệu. Việc các sản phẩm của Vĩnh Đức (huyện Đô Lương) được chứng nhận OCOP không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển đặc sản địa phương lên một tầm cao mới, mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Hoàng Trinh - Vũ Hạnh

Hà Giang: Gắn phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm OCOP và làng nghề truyền thống Đưa sản phẩm OCOP Lạng Sơn lên sàn thương mại điện tử

Hoàng Trinh - Vũ Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Hơn 200 gian hàng hội tụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024

Hơn 200 gian hàng hội tụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024

Hơn 200 gian hàng hội tụ tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024 diễn ra từ 11 đến 15/12/2024 tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Móng Cái, Quảng Ninh.