Phòng vệ thương mại: Khuyến nghị nên biết về thị trường Peru Phòng vệ thương mại: Thận trọng trước nguy cơ điều tra từ Mexico Triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp phòng vệ thương mại |
Thực hiện chủ trương “chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”, công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ.
Xử lý hiệu quả các vụ việc
Việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt xuống rất thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%; xung đột thương mại giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ tại nhiều nước; chi phí một số hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao... đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về phòng vệ thương mại.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất trong nước |
Cụ thể, nhiều nước tăng cường điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu đã đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, xu thế định hình các liên kết kinh tế khu vực dẫn tới gia tăng vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ đối với hàng hóa của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, các nước đã tiến hành 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Còn riêng trong 6 tháng đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời... (trong đó có 7 vụ việc điều tra chống lẩn tránh). Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại . Hơn nữa, phạm vi điều tra phòng vệ thương mại cũng mở rộng.
Trong các vụ việc này, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại , tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với cơ quan điều tra của nước ngoài; đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xem xét khởi kiện các biện pháp phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO.
Với sự chủ động, tích cực của cơ quan chức năng, cho đến nay, Việt Nam đã xử lý và đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp, góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada.
Bảo vệ sản xuất trong nước
Nhằm giúp doanh nghiệp tránh bị động trong ứng phó với các vụ việc về phòng vệ thương mại , công tác cảnh báo sớm được Bộ Công Thương chú trọng triển khai. Bộ Công Thương đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Trên cơ sở danh sách cảnh báo, cơ quan chức năng, địa phương đã phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xác minh việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ, khai báo xuất xứ khi thông quan, đăng ký đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, công tác điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bị bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại . Các mặt hàng điều tra đa dạng gồm: Sản phẩm kim loại cơ bản (nhôm, thép, vật liệu hàn), hóa chất (sorbitol, sợi filament, màng BOPP), vật liệu xây dựng (ván gỗ MDF, kính nổi), hàng tiêu dùng cơ bản (bột ngọt, đường mía, đường lỏng HFCS).
Theo ghi nhận của Cục phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2021) và việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Nhờ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hợp lý, phù hợp với cam kết quốc tế, các ngành sản xuất trong nước được bảo vệ trước những hành vi cạnh tranh không bình đẳng, từ đó tạo điều kiện để các ngành sản xuất trong nước phát triển. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài.
Ông LÊ TRIỆU DŨNG - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Với các kết quả và định hướng đề ra, có cơ sở để tin rằng, công tác phòng vệ thương mại năm 2022 sẽ tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, góp phần vào thành công chung của nền kinh tế. |