Những dòng sản phẩm xăng dầu do Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất sản xuất, trước khi thành phẩm và xuất bán ra thị trường đều phải trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt của Phòng thí nghiệm. Nơi đây được đánh giá là một trong những Phòng thí nghiệm hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những người làm việc ở đây được xem là “những người gác cửa” của NMLD Dung Quất khi thực hiện công tác thử nghiệm để đánh giá chất lượng tất cả các nguyên liệu đầu vào (gồm dầu thô, hoá phẩm, xúc tác, phụ gia) trước khi đưa vào chế biến tại các phân xưởng và đảm bảo chất lượng tất cả các sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường, đến với các khách hàng.
Tại NMLD Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) có những con người đặc biệt làm nhiệm vụ “gác cửa” nguyên liệu đầu vào, đồng thời “gác cửa” sản phẩm đầu ra. Đó là những nhân sự thuộc Ban Quản lý Chất lượng BSR. Họ đã trải qua quá trình rèn luyện và trưởng thành cùng sự phát triển theo năm tháng của NMLD Dung Quất, từng bước trở thành những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực thử nghiệm lọc hoá dầu. Ở NMLD Dung Quất, mỗi mẫu nguyên liệu dầu thô đầu vào trước khi được đưa vào sản xuất đều được phân tích, đánh giá tất cả các tính chất. Sau khi dầu thô được chế biến thành các sản phẩm xăng, dầu, hạt nhựa, lưu huỳnh... Các sản phẩm này tiếp tục được thí nghiệm để kiểm tra, đánh giá chất lượng và cấp chứng thư cho sản phẩm. Ví von họ là “những người gác cửa” là vì vậy. Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực thử nghiệm tại Việt Nam, Phòng thí nghiệm của BSR là một trong những phòng thí nghiệm có cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ và hiện đại cùng đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn chất lượng cao. Còn riêng trong lĩnh vực xăng dầu, năng lượng thì thuộc hàng đầu tại Việt Nam. Với những nhân sự BSR làm việc tại Phòng thí nghiệm, công việc không chỉ có hoá chất, ống nghiệm, máy móc phân tích mà còn luôn thường trực ý thức rèn luyện, nâng cao chuyên môn để hiện thực hoá khát khao phụng sự cho sự phát triển bền vững và nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia của NMLD Dung Quất - NMLD đầu tiên của đất nước.
Nhiều thiết bị “khủng” và độc nhất tại châu Á
Với diện tích hơn 4.000m2, Phòng thí nghiệm nằm gọn bên trong NMLD Dung Quất rộng gần 350 ha diện tích mặt đất. Phòng có nhiệm vụ đảm bảo chất lượng; kiểm soát chất lượng nguyên liệu, sản phẩm và hóa phẩm - xúc tác - phụ gia; quản lý, vận hành, bảo dưỡng và khai thác hệ thống phòng thí nghiệm cho mục đích kiểm soát chất lượng, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ. Theo đó, Phòng thí nghiệm BSR thực hiện công tác thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các tính chất của tất cả các dòng trung gian, nước thải, khói thải, hoá phẩm, xúc tác, phụ gia,... đáp ứng Quy định kỹ thuật của Nhà máy. Đồng thời, cung cấp các thông số về chất lượng để điều chỉnh các thông số vận hành Nhà máy. Đặc biệt, Phòng thí nghiệm BSR thường xuyên triển khai thực hiện thành công các giải pháp, cải tiến công nghệ để tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm thiểu rủi ro; hỗ trợ nghiên cứu và thử nghiệm các sản phẩm và công nghệ mới. Phòng thí nghiệm BSR cũng cung cấp dịch vụ phân tích các mẫu nguyên liệu, mẫu sản phẩm trong lĩnh vực năng lượng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu.
Phòng thí nghiệm bên trong NMLD Dung Quất được đánh giá là một trong những Phòng thí nghiệm có chất lượng hàng đầu Việt Nam |
Đến nay, Phòng thí nghiệm BSR có khoảng 300 thiết bị phân tích chính và thiết bị phụ trợ. Trong đó có các thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất của NMLD Dung Quất như nhóm thiết bị phân tích dầu thô và sản phẩm; nhóm thiết bị phân tích sắc ký; thiết bị phân tích nguyên tố, nước; thiết bị phân tích nhựa Polypropylene (PP).
Vào những năm 2013, Phòng thí nghiệm BSR được đầu tư 2 thiết bị đặc biệt là True Boiling Point Apparatus (TBP) và Potstill (thiết bị chưng cất cặn dầu thô) sản xuất từ Đức. Với TBP, đây được xem là phân xưởng Chưng cất dầu thô (CDU) thu nhỏ, có chức năng phân tách dầu thô ra các dòng sản phẩm, từ đó đưa ra các đánh giá về nhiệt độ, áp suất, phối trộn,... để áp dụng cho phân xưởng CDU của NMLD Dung Quất thực hiện. Còn thiết bị Potstill được thiết kế giống mô hình thu nhỏ của phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC). Thiết bị này thực hiện chưng cất ở áp suất chân không và nhiệt độ cao cho phân đoạn cặn từ thiết bị TBP để đảm bảo đánh giá sản lượng cặn thu được, từ đó có thể đảm bảo cho quá trình phối trộn nguyên liệu cho phân xưởng RFCC.
Kỹ sư Bùi Hoàng Nguyên là một trong những nhân sự trực tiếp tiếp nhận vận hành thiết bị này từ nhà sản xuất. Anh cho biết, việc vận hành thiết bị TBP là một quá trình phức tạp với nhiều công đoạn, do đó yêu cầu nhân sự vận hành phải có năng lực chuyên môn cao. Việc vận hành TBP cần 1 ngày để chuẩn bị cho công tác khởi động thiết bị chính và các thiết bị phụ trợ. Trong đó, quá trình kiểm tra độ kín của các hệ thống được xem là quan trọng nhất để đảm bảo thiết bị khởi động an toàn. Tiếp theo đó là thực hiện khâu đồng nhất mẫu và nạp mẫu (20 lít/1 lần phân tích) vào bình chưng cất, việc này yêu cầu người vận hành phải chuẩn bị cẩn thận, nếu mẫu dầu thô có nhiều nước thì phải tiến hành chuyển sang Mode Dewater trước khi tiến hành chưng cất. Thời gian cho việc thử nghiệm này sẽ mất khoảng 4 ngày để chưng cất 1 mẻ dầu thô thành các phân đoạn, mất 7 ngày để tiến hành thử nghiệm phân tích các tính chất của tất cả các phân đoạn này và 2 ngày để tổng hợp số liệu, phát hành báo cáo đánh giá dầu thô (Crude Assay).
“Các mẫu dầu thô từ nhiều nguồn cung cấp được tổ chức nghiên cứu, thực hiện phân tách trước khi đưa vào phân xưởng CDU để sản xuất. Với đặc thù của từng loại dầu thô, TBP sẽ tiến hành phân tách ra các loại sản phẩm và cho ra các thông số để các Ban chuyên môn của BSR tính toán, nghiên cứu thực hiện. Để đảm bảo hoạt động của TBP, các nhân sự vận hành sẽ thay phiên nhau túc trực 24/24 trong thời gian khoảng 4 ngày/mẻ sản phẩm. Việc này đòi hỏi các nhân sự phải nắm vững các kỹ thuật và thao tác máy để tránh gây trục trặc và ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu của các loại dầu thô”, anh Bùi Hoàng Nguyên chia sẻ.
Thiết bị TBP là thiết bị của hãng ROFA dùng để chưng cất dầu thô và có thể phân tách dầu thô từ 15°C đến 420°C AET (nhiệt độ tương đương khí quyển) |
Từ năm 2013 đến nay, hai thiết bị đặc biệt này đã phục vụ đánh giá thuộc tính của khoảng 60 loại dầu thô trong và ngoài nước, đóng vai trò rất quan trọng trong công tác đánh giá lựa chọn dầu thô phù hợp với cấu hình công nghệ của Nhà máy để nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó, đã giúp BSR tìm được nhiều loại dầu thô mới đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành, giá thành rẻ cũng như sản lượng dồi dào nhằm đảm bảo nâng cao năng suất chế biến và lợi nhuận cho Công ty.
Bên cạnh 2 thiết bị đặc biệt này, Phòng thí nghiệm BSR còn liên tục được bổ sung các thiết bị máy móc hiện đại. Một số thiết bị hiện đại được BSR vừa đầu tư như thiết bị chưng cất khí quyển; thiết bị chưng cất chân không; hệ thống các thiết bị phân tích dầu nhờn của Spectro Scientific; thiết bị đo độ ổn định oxy hóa (JFTOT); các máy đếm hạt của JET A1. Nhờ các thiết bị hiện đại, trong hành trình đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, đội ngũ nhân sự của BSR đã tích cực nghiên cứu, góp phần vào thành công chung trong việc sản xuất các sản phẩm nhiên liệu quốc phòng sử dụng cho tàu ngầm, máy bay phản lực... Lô sản phẩm đầu tiên được xuất đi vào ngày 29/11/2022.
Quy trình chưng cất dầu thô của TBP được thiết kế như một phân xưởng CDU thu nhỏ tại Phòng thí nghiệm |
Phòng thí nghiệm của BSR còn được biết đến là nơi chứa những thiết bị máy móc độc đáo với số lượng giới hạn tại Việt Nam. Có thể kể đến như thiết bị Gas Chromatography #14 (DHA combi) có chức năng phân tích thành phần phân đoạn đầu của dầu thô và thành phần chi tiết trong Naphtha. Thiết bị này giúp các nhân sự của BSR phân tích nhanh thành phần và hàm lượng phân đoạn nhẹ có trong dầu thô mà không cần phải chưng cất. Tiếp theo là thiết bị GC-VUV có chức năng phân tích thành phần nhóm Hydrocarbon trong xăng, nhiên liệu phản lực, dầu DO... có thể phân tích 3 loại mẫu xăng, Jet, DO trên 1 kênh, góp phần lớn trong việc sản xuất nhiên liệu hàng không, quốc phòng. Ngoài ra, còn có thiết bị phân tích thành phần của dầu nặng (SARA) được dùng để kiểm tra thành phần của dầu thô và dầu nặng...; hệ thống thiết bị phân tích tính chất của nhựa PP như thiết bị X-Ray; hệ thống các thiết bị phân tích dầu nhờn...
15 năm duy trì chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025
Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 được biết đến là tiêu chuẩn quốc tế do tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) tạo ra. Mục đích của tiêu chuẩn này là để chứng minh năng lực kỹ thuật, hoạt động hiệu quả của các Phòng thí nghiệm. Qua đó, có thể cung cấp các kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn có giá trị ổn định về kỹ thuật và có độ tin cậy cao của các phòng thí nghiệm. Đến nay, ISO/IEC 17025 đã trải qua 5 phiên bản ở các năm 1990, 1999, 2005 và 2017.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 20 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 trong lĩnh vực xăng dầu có đầy đủ các sản phẩm từ khí đến chất lỏng như LPG, Propylene, Mogas, Jet A-1, Diesel, Fuel oil,... Trong số đó, Phòng thí nghiệm của BSR đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận đạt chuẩn ISO này từ năm 2010 (thời điểm Nhà máy vừa được bàn giao cho BSR) và đã cập nhật đạt chuẩn ISO/IEC 17025 năm 2017 (mới nhất). Qua 15 năm, Phòng thí nghiệm của BSR vẫn duy trì chuẩn ISO/IEC 17025 và đã mở rộng một số các phép thử mới để đăng ký thêm danh mục phép thử được công nhận.
Tại Phòng thí nghiệm của NMLD Dung Quất có khoảng 300 thiết bị chính và thiết bị phụ trợ giúp đảm bảo các hoạt động giám định, phân tích được diễn ra liên tục, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của BSR |
Bên cạnh các thiết bị máy móc hiện đại và hệ thống quản lý đạt tiêu chuẩn, đội ngũ kỹ sư, nhân sự BSR cũng là lực lượng chính đảm nhiệm việc kiểm soát chất lượng của các sản phẩm vào - ra và hơn hết là giúp duy trì các tiêu chuẩn đạt chất lượng quốc tế của Phòng thí nghiệm. Để đạt và duy trì tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, BSR đã liên tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ban đầu, định kỳ đào tạo bổ sung, đánh giá năng lực thử nghiệm của các nhân viên phân tích hàng năm. Đồng thời, BSR cũng thường xuyên cập nhật các công nghệ mới để kịp thời có kế hoạch mua sắm các thiết bị mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao; cập nhật liên tục sự thay đổi của các phương pháp thử nghiệm để áp dụng kịp thời tại phòng. BSR cũng tích cực tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo của các tổ chức, hiệp hội về thí nghiệm trên thế giới như ASTM, Shell Global,...; tổ chức chương trình so sánh liên phòng giữa Phòng Thí nghiệm BSR với các phòng thí nghiệm trong lãnh thổ Việt Nam như Quatest 1, Quatest 2, NSRP, Intertek, SGS, Vinacontrol, Xăng dầu Khu vực V,...
Ông Bảo Tuấn - Trưởng Phòng Giám định 2, Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol Đà Nẵng cho biết, Vinacontrol Đà Nẵng đã và đang hợp tác chặt chẽ với Phòng Thí nghiệm BSR để thực hiện việc nghiên cứu, phân tích, thử nghiệm mẫu liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ, khí, xăng dầu các loại. Với đặc thù là tổ chức giám định đầu tiên và hàng đầu tại Việt Nam, Vinacontrol đánh giá cao đối với sự đầu tư, trang bị các loại máy móc tiên tiến, thiết bị hiện đại cũng như đội ngũ nhân sự chất lượng cao tại Phòng Thí nghiệm BSR. Điều này đã tạo điều kiện tốt, hỗ trợ tối đa trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa.
“Qua quá trình hợp tác, làm việc, bản thân tôi nhận thấy Phòng Thí nghiệm BSR là một trong những phòng thử nghiệm hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực dầu mỏ, khí và xăng dầu các loại”, ông Bảo Tuấn nhận định.