Phòng chống thiên tai tại Yên Bái: Nâng cao công tác phòng ngừa
Tin hoạt động 11/05/2022 18:18
Bộ Công Thương kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Sơn La |
Tiếp tục chuỗi hoạt động kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại 3 tỉnh miền núi phía Bắc, chiều ngày 11/5, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT do Bộ Công Thương chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân là trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Yên Bái.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và đoàn công tác đã kiểm tra đê chống ngập sông Hồng, khu vực xã Giới Phiên, TP. Yên Bái |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tỉnh Yên Bái quan tâm đặc biệt đến công tác dự báo |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và đoàn công tác đã kiểm tra đê chống ngập sông Hồng, khu vực xã Giới Phiên, TP. Yên Bái; làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, cho biết: Công tác PCTT&TKCN luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao; các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh chú trọng, thường xuyên quan tâm xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện trên mỗi địa bàn, lĩnh vực trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm an toàn, ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Để thực hiện có hiệu quả công tác PCTT&TKCN năm 2022, UBND tỉnh đã thường xuyên ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài ra, thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Quyết định 987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42/CT/TW, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 193-KH/TU về kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 42/CT-TTW của Ban Bí thư. Trên cơ sở đó các sở ban ngành và địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
Đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái |
Nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.
Bố trí nguồn lực, trang thiết bị cùng các điều kiện cần thiết cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng củng cố lực lượng xung kích, phản ứng nhanh phòng chống thiên tai tại cơ sở bảo đảm thực thi, xử lý kịp thời, linh hoạt ứng phó với các tình huống xảy ra.
Công tác an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tính riêng trong năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ trên địa bàn với tổng kinh phí 3.597,285 triệu.
Khi thiên tai xảy ra tỉnh tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và điều trị cho người bị thương kịp thời; bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống; rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn và phải di dời khẩn cấp.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc |
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, tỉnh Yên Bái cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTT. Cụ thể, tỉnh cũng như nhiều khu vực trung du miền núi phía Bắc có địa hình, địa chất phức tạp, nhiều khu vực có núi cao, chia cắt; hệ thống sông suối có độ dốc lớn, vật cản đa dạng, khi xảy ra mưa lớn thì tạo dòng chảy siết, đột ngột, trong khi diễn biến thời tiết, mưa lũ ngày càng cực đoan, phức tạp, khó lường. Điều đó, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và khi xảy ra thì rất khó khăn cho việc cơ động lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, do thiếu thông tin quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất làm cơ sở để xây dựng phương án ứng phó phù hợp, nhất là việc di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong PCTT, đặc biệt ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn Yên Bái nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung còn rất hạn chế; thiếu các phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thiếu quỹ đất ở an toàn (gắn với quỹ đất sản xuất) và thiếu nguồn lực để tổ chức di dân ở vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, nhất là tại các địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thiếu nguồn lực đầu tư khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bị hư hỏng do thiên tai…
Vì vậy, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, tỉnh Yên Bái đã kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành chỉ đạo việc xây dựng nâng cao độ chính xác của bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành PCTT.
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi làm việc |
Cân đối nguồn vốn hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng, nhất là công trình kè sông, suối, công trình giao thông, công trình thủy lợi.
Đầu tư trang bị hệ thống thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, đặc biệt là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai cho các lực lượng: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh (xe chuyên dùng, xuồng máy...).
Đào tạo tập huấn, bổ sung trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; tăng cường năng lực cho văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp ở địa phương.
Tại buổi kiểm tra, đoàn công tác nhận định: Yên Bái là tỉnh miền núi địa hình phân cắt mạnh, núi cao sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên thiên tai xảy ra phức tạp và bất thường khó dự báo. Nơi nào cũng có thể xảy ra gió xoáy, gió giật kèm theo mưa đá. Về mùa mưa nơi nào cũng có thể xảy ra sạt lở đất, ngoài ra còn có lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đáng kể về người tài sản của nhân dân và của nhà nước… Chính vì vậy, công tác dự báo cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, địa phương cần phải có phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro.
Dự báo trong 1, 2 ngày tới Yên Bái cũng như một số tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có mưa, mưa đầu mùa rất dễ dẫn đến giông, lốc, do đó tỉnh cần bố trí nguồn lực, trang thiết bị cùng các điều kiện cần thiết cho công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng củng cố lực lượng xung kích, phản ứng nhanh PCTT tại cơ sở bảo đảm thực thi, xử lý kịp thời, linh hoạt ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, qua kiểm tra tại 3 tỉnh, về cơ bản, các tỉnh đều có nhiều cố gắng trong công tác PCTT. Tuy nhiên, đặc thù loại hình thiên tai tương đối khắc nghiệt, năm nào cũng có, cho nên chúng ta cần làm tốt kế hoạch chuẩn bị ứng phó.
Tại Yên Bái, Ban chỉ đạo mong muốn các đồng chí quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều bất thường với những thiên tai mới như hiện nay. Do đó, phải có ngay phương án ứng phó khẩn cấp.
Bên cạnh đó, Yên Bái hiện đang có lực lượng xung kích rất, thì câu chuyện phương án ứng cứu nhịp nhàng giữa các lực lượng cần được chú trọng. Đồng thời, Ban chỉ đạo tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận và Ban chỉ đạo quốc gia.