Bộ Công Thương kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 09/05/2022 11:56
Trong buổi sáng ngày 9/5, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do Bộ Công Thương chủ trì, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân là trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Hòa Bình.
Đoàn công tác đã kiểm tra tại Công ty Thủy điện Hòa Bình; hồ Thống Nhất; làm việc với tỉnh Hòa Bình về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và đoàn kiểm tra tại mặt hồ Thuỷ điện Hòa Bình |
Đoàn công tác kiểm tra tại trung tâm điều hành Thuỷ điện Hoà Bình |
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân và đoàn kiểm tra tại Hồ Thống Nhất |
Báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình về tình hình thiên tai trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2022 cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra 6 đợt không khí lạnh, 2 đợt rét đậm, rét hại kèm mưa giông. Các loại hình thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại trên địa bàn 10 huyện, thành phố. So với năm 2021, giông lốc, mưa đá, sét đến thời điểm cuối tháng 4/2022 xảy ra nhiều hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hoà Bình |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình - ông Đinh Công Sứ - cho biết: Để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai - ban hành văn bản gửi các sở, ngành trong tỉnh, UBND các huyện, thành phố yêu cầu kiện toàn, cung cấp thông tin thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành văn bản gửi các sở, ngành trong tỉnh; UBND các huyện, thành phố về việc quản lý, phát hành biển “xe hộ đê” trên địa bàn tỉnh năm 2022…
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương trong tỉnh và sở, ngành có liên quan đã hoàn thành công tác kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương mình; tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ thực hiện năm 2022; đồng thời đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai của đơn vị, địa phương...
Ông Đinh Công Sứ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc |
UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm xung yếu đê điều trong mùa mưa lũ năm 2022 trong thời gian sớm nhất.
Trước diễn biến thiên tai bất thường, khắc nghiệt, nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã đề xuất kiến nghị với Đoàn công tác, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung cơ bản:
Thứ nhất, các công trình hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng qua các trận thiên tai nhiều năm nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, nguy cơ mất an toàn cao trên địa bàn tỉnh tương đối nhiều. Đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để khắc phục, phục hồi các công trình công cộng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai.
Thứ hai, xem xét hỗ trợ phục hồi công tác chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ về giống cây trồng để phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai như giống ngô, giống lúa...
Thứ ba, Ban chỉ đạo Quốc gia xem xét, tiếp tục xuất cấp vật tư dự trữ phù hợp phục vụ phòng chống thiên tai tỉnh để ứng phó với thiên tai năm 2022 như: Rọ thép, nhà bạt, bạt dù to, 3 xuồng máy với công suất từ 200cv trở lên, xe chuyên dụng để vận chuyển các thiết bị,...
Thứ tư, hỗ trợ kinh phí để lắp đặt các trạm quan sát sạt lở, trượt lợ, hệ thống cảnh báo trượt lở cho các khu vực trọng điểm sạt lở, lũ quét, lũ ống trên địa bản tỉnh; xây dựng trạm quan sát, cứu nạn, cứu hộ trên khu vực lòng hồ sông Đà; mua sắm các vật tư, phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nhằm nâng cao trong công tác tìm kiếm cứu nạn tại khu vực trọng điểm, đặc biệt là khu vực lòng hồ sông Đà và hạ du đập thủy điện Hòa Bình...
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao tỉnh Hòa Bình đã luôn nỗ lực, chủ động chuẩn bị phương án ứng phó về công tác PCTT và TKCN, nhất là công tác an toàn trong vận hành của các đơn vị. Nhờ vậy, đã giảm thiểu được thiệt hại do các loại hình thiên tai gây ra.
Đoàn công tác lưu ý, mùa mưa năm nay dự báo lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, song sẽ xuất hiện những đợt mưa lớn, dồn dập. Do vậy, tỉnh tăng cường hơn nữa công tác cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất, đá; có phương án vận hành, xả lũ các hồ chứa an toàn, đặc biệt là xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình khi lưu lượng nước về hồ lớn. Đồng thời có phương án chặt chẽ đối với tình trạng sạt lở phía Đông đồi ông Tượng và khu vực xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: PCTT là hoạt động thường xuyên, liên tục. Do vậy, tỉnh Hòa Bình cần xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp với đặc điểm, đặc thù của tỉnh và từng vùng; chú trọng hơn nữa công tác tập huấn, diễn tập; có kịch bản xử lý sự cố thiên tai; cụ thể tiêu chí PCTT gắn với xây dựng nông thôn mới và có những giải pháp để khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
“Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình sẽ được đoàn công tác ghi nhận để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, ngành xem xét, giải quyết”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.