Phát triển công nghiệp dược phẩm: Vì sao mãi chông chênh? |
Điều kiện có nhưng hiệu quả chưa cao
Báo cáo kết quả triển khai các dự án của Quyết định 376/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - nhận định, công nghiệp dược Việt Nam đang đón đầu nhiều cơ hội phát triển và sẵn sàng đón nhận, thu hút đầu tư từ các ngành công nghiệp dược hiện đại trên thế giới theo đúng định hướng, mục tiêu của ngành.
Phát triển công nghiệp dược: Khó cũng phải làm (Ảnh minh họa) |
Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên 6,92 tỷ USD năm 2021. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, ước tính năm 2022 là 75 USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp dược 10 - 12%. Sản xuất thuốc trong nước chiếm 46% tổng giá trị tiền thuốc điều trị.
Hiện Việt Nam có 228 nhà máy sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Theo báo cáo của 11 doanh nghiệp trong nước, tổng số vốn đầu tư vào các dây chuyền sản xuất EU-GMP, PIC/S-GMP trong 5 năm gần đây khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Về mức độ hiện đại hóa, tự động hóa của các nhà máy, 14,3% nhà máy tự động hóa hoàn toàn, 68% có thiết bị tự động, chủ yếu tập trung sản xuất thuốc generic (thuốc tương đương thuốc phát minh)...
Bên cạnh đó, hiện các quy định từ chính sách chung đến chuyên ngành, đều tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp dược; ưu đãi, thu hút đầu tư đối với việc sản xuất, đặc biệt sản xuất thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc công nghệ cao, thuốc phát minh, thuốc sinh học, vắc xin sinh phẩm, nguyên liệu làm thuốc...
Tuy nhiên, ông Vũ Tuấn Cường cũng nhìn nhận thực tế, các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung đầu tư sản xuất thuốc generic thông thường, chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh... Theo thống kê, các thuốc phát minh hiện chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu là thuốc nhập khẩu.
Đại diện một số doanh nghiệp dược lớn cũng đã chia sẻ, ngành dược Việt Nam cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc thù, chỉ giải quyết được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường, bệnh mãn tính. Đa số các thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập khẩu.
Tháo gỡ từ đâu?
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm tăng cao. Trung bình từ năm 2005 đến nay, tốc độ gia tăng về kim ngạch nhập khẩu thuốc đạt khoảng 14 - 15%/năm.
Cơ cấu nhập khẩu ngành dược bao gồm 2 mặt hàng chính là dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm. Hiện các doanh nghiệp dược phẩm chủ yếu tập trung sản xuất thuốc tương đương thuốc phát minh, chưa chú trọng vào nghiên cứu sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc mới thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh…
Trong khi đó, tại thị trường dược Việt Nam, các thuốc phát minh chỉ chiếm 3%, nhưng chiếm tới 22% giá trị, chủ yếu nhập khẩu. Tương tự, thuốc công nghệ cao, thuốc mới, thuốc chuyên khoa đặc trị… sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh chiếm tỉ lệ lớn về giá trị tiền thuốc, mặc dù số lượng sử dụng chiếm tỷ lệ thấp.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng của năm 2022, cả nước đã chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, Việt Nam chi gần 254 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc nghiên cứu, chuyển giao các thuốc phát minh cần đầu tư lớn về tài chính, thời gian, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, việc đàm phán giá, đấu thầu tập trung thuốc phát minh còn chậm do thiếu thông tin tham khảo, so sánh giá… Chính sách quản lý giá thuốc, định hướng sử dụng thuốc generic cũng hạn chế việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh.
Hơn nữa, quy định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái còn gây lo ngại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Để tháo gỡ những vướng mắc căn bản, lãnh đạo Cục Quản lý dược cho rằng, các lĩnh vực công nghiệp dược cần tập trung thu hút đầu tư vào công nghệ bào chế và nâng cao chất lượng sản phẩm; sản xuất nguyên liệu; xây dựng trung tâm nghiên cứu vắc xin, sinh phẩm và chuyển giao công nghệ vắc xin đa giá; phát triển nguồn dược liệu trong nước; nâng cao năng lực nghiên cứu, kiểm nghiệm dược phẩm.
Đại diện một số doanh nghiệp dược mong muốn sớm được tháo gỡ khó khăn liên quan đến nguồn tài chính, do hiện nay tỷ lệ nợ tiền thuốc sử dụng của các cơ sở khám chữa bệnh rất lớn, cơ chế đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao cần có sự linh hoạt kết hợp cả sản xuất các loại thuốc thông thường khác.
Ngoài ra còn liên quan đến việc cải cách triệt để các thủ tục hành chính, như cấp số đăng ký lưu hành thuốc; tiền kiểm, hậu kiểm trong lĩnh vực dược phẩm; ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng…
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng ghi nhận các ý kiến vướng mắc của doanh nghiệp nêu tại buổi làm việc; đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổ chức họp, làm việc định kỳ với hiệp hội, doanh nghiệp dược phẩm, cùng các bộ ngành liên quan để xử lý ngay các vấn đề cụ thể phát sinh trong thực tiễn. |