Vực dậy ngành công nghiệp dược phẩm |
Nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, cả nước chi 222 triệu USD nhập khẩu dược phẩm, giảm 20,4% so với tháng trước. Song lũy kế 7 tháng của năm 2022, cả nước đã chi hơn 1,93 tỷ USD nhập khẩu dược phẩm, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian này, Việt Nam chi gần 254 triệu USD nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc khiến ngành công nghiệp dược của Việt Nam khó phát triển |
Trong một thống kê cho thấy, Việt Nam phải nhập khẩu thuốc không ngừng tăng qua các năm, tốc độ gia tăng về kim ngạch từ năm 2005 đến nay đạt trung bình khoảng 14 - 15%/năm và năm nào cũng tăng hơn năm trước. Cơ cấu nhập khẩu ngành dược bao gồm 2 mặt hàng chính là dược phẩm và nguyên phụ liệu dược phẩm.
Thị trường nhập khẩu ngành dược của Việt Nam cũng đa dạng, với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Ấn Độ và Pháp là 2 thị trường lớn đối với Việt Nam.
Tuy nhiên 7 tháng qua, nhập khẩu dược phẩm của Việt Nam từ thị trường Mỹ lại ghi nhận tốc độ tăng mạnh, đạt 242,6 triệu USD, tăng 173,2% (tương đương gần 136 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Pháp đứng thứ hai với 222,5 triệu USD, giảm 18,5 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra còn 4 thị trường khác đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên và đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đó là: Đức đạt 214,15 triệu USD, Bỉ gần 155 triệu USD, Ấn Độ 147,27 triệu USD, Hàn Quốc 135,1 triệu USD.
Đại diện một số doanh nghiệp dược lớn cũng đã chia sẻ, ngành dược Việt Nam cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc đặc thù, chỉ giải quyết được một số loại thuốc điều trị bệnh thông thường, bệnh mãn tính. Đa số các thuốc đặc trị thiết yếu vẫn phải nhập khẩu.
Và thực tế, thuốc ngoại đang dần chiếm lĩnh kênh bán hàng qua bệnh viện. 7 tháng của 2022, giá trị trúng thầu thuốc kênh bệnh viện đạt 15.380 tỷ đồng trong đó thuốc ngoại chiếm 67% còn thuốc nội chỉ có 33%.
Chính nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc đang phải nhập khẩu đến khoảng 90% nên việc cung ứng thuốc dễ rơi vào bị động và đây có phải lý do khiến không ít người bệnh “ôm bệnh” chờ thuốc hoặc chấp nhận mua với giá đắt đỏ trên thị trường?
Bao giờ thuốc nội chiếm ưu thế?
Cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh; tình trạng ô nhiễm môi trường và mức độ quan tâm của gần 100 triệu dân đến các vấn đề sức khỏe ngày càng cao... sẽ là động lực cho ngành dược phẩm tiếp tục tăng trưởng.
Trong vòng 5 năm tới, ngành dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới. Một nghiên cứu mới đây của BMI Research cho thấy, dự báo về độ lớn thị trường dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD năm 2026.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược phẩm mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư. Trong đó, xu hướng mua bán- sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp dược trong nước và nước ngoài diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối.
Việc thực hiện M&A góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn (như EU-GMP, PIC/S…) mà còn nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối.
Tiềm năng lớn là vậy, nhưng theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công nghiệp dược Việt Nam mới ở gần cấp độ 3, tức có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic (thuốc sao chép) và xuất khẩu một số dược phẩm. Còn theo phân loại 5 mức phát triển của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), công nghiệp dược Việt Nam mới ở mức 3 - “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”. Điều này khiến nỗi lo thuốc ngoại vẫn mãi thắng thế tại thị trường trong nước.
Trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu cho ngành dược từ nay đến năm 2030 tập trung phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, chủ động sản xuất vắc xin, thuốc sáng chế.
Phấn đấu 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh và yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc; đồng thời cung cấp các dịch vụ chăm sóc dược có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng trong bảo hiểm y tế. Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực với giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Phấn đấu có 30% thuốc generic sản xuất trong nước và nhập khẩu có số đăng ký lưu hành được đánh giá tương đương sinh học.
Đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc phát minh, vắc xin, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc phát minh từ nguồn dược liệu đặc hữu được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc tương đương các nước tiên tiến trong khu vực.
Những giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu như: Giải pháp về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, nhân lực và đào tạo; kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; hợp tác và hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông...
Chiến lược bài bản, mục tiêu và giải pháp rõ ràng, tuy nhiên, doanh nghiệp kinh doanh cũng như người dân vẫn lo lắng, bao giờ thuốc nội mới chiếm ưu thế khi mà ngành dược vẫn thiếu sự phát triển và đầu tư thích hợp.
Giới chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả các tiêu chuẩn của ngành dược trong nước, các công ty và cơ quan quản lý của Việt Nam cần dựa vào sự chuyển giao kiến thức, kỹ năng và nguồn lực từ các đối tác nước ngoài. |