Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình làm việc với 5 tỉnh thành miền Trung về đầu tư công Quảng Nam: Giải ngân vốn đầu tư công chậm, vì sao? |
Đề nghị sớm trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công sửa đổi
Chiều 11/10, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình với 5 địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, các địa phương đã nêu nhiều kiến nghị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu kết luận cuộc họp |
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, tổng vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Quảng Nam là hơn 8.884 tỷ đồng.
Trong đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 hơn 7.056 tỷ đồng. Đến nay, đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương hơn 6.614 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2024, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 2.781 tỷ đồng, đạt 42,7% so với kế hoạch vốn Thủ tướng chính phủ giao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn còn thấp do còn các vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công năm 2019; công tác tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng…
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của địa phương, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư công ngân sách trung ương năm 2024 khoảng 286 tỷ đồng để tỉnh bổ sung vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2023; Bố trí nguồn vốn thực hiện các công trình: Mở rộng Quốc lộ 1, đoạn đi qua các địa phương của tỉnh Quảng Nam chỉ có 2 – 4 làn xe ô tô (chưa có làn xe thô sơ); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14D, 14B, 14G, 14H, Quốc lộ 14B.
Đáng chú ý, đại diện nhiều địa phương kiến nghị cần sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi để “gỡ vướng” trong giải ngân đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng kiến nghị điều chỉnh khoản 7, Điều 67, Luật Đầu tư công theo hướng giao UBND điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch trung hạn đã được HĐND thông qua để đảm bảo tính chủ động và kịp thời trong điều hành kế hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - đề nghị bổ sung nội dung về chi phí thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào Luật Đầu tư công sửa đổi và quy định cụ thể là thành phần chi phí trong kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án, được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng |
Cả tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đều kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 nguồn ngân sách trung ương...
Phải quyết tâm để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt hơn 95% kế hoạch vốn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các ý kiến đóng góp, thảo luận của các Bộ, ngành, 5 tỉnh, thành phố.
Đồng tình những nguyên nhân của các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công của 5 địa phương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đánh giá ‘bức tranh’ giải ngân vốn đầu tư công của 5 địa phương chưa cao, đặc biệt có tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với trung bình cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, bên cạnh những nguyên nhân khó khăn chung, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi còn gặp khó do vướng công tác cán bộ. “Tỉnh Quảng Nam đã kiện toàn bộ máy. Tỉnh Quảng Ngãi đến thời điểm hiện tại cũng vẫn còn một số chức danh chưa kiện toàn”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.
Nêu rõ giải ngân đầu tư công có vai trò rất quan trọng với tăng trưởng kinh tế và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công phải đạt hơn 95% kế hoạch vốn được giao. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị cả 5 địa phương phải có quyết tâm rất cao khắc phục những tồn tại, khó khăn, nếu không sẽ rất khó đạt được kết quả trên.
Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương cần bám sát các quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.
Các địa phương miền Trung cần rất quyết tâm để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 'về đích' đạt 95% vốn kế hoạch giao |
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực cho việc giải phóng mặt bằng như bảng giá, xác định nguồn gốc đất, tổ chức tái định cư. "Không giải phóng mặt bằng khó có thể thực hiện đầu tư công", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình biểu dương các địa phương Quảng Nam, Bình Định đã chủ động khẩn trương cấp phép cho các dự án về vật liệu, đất cát. Đồng thời, đề nghị các địa phương phải tập trung nguyên vật liệu cho các dự án trọng điểm; tính toán mức tăng giá của các nguyên vật liệu để đưa vào giá thành các công trình xây dựng.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án đầu tư công; quan tâm hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm.
"Chính phủ luôn đồng hành cùng các địa phương trong tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, song các địa phương cũng phải phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo; lãnh đạo địa phương phải bám sát thực tế, phải đến các dự án để xem xét, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu.