Hiệp định RCEP: Mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu thuỷ sản sang Australia Hiệp định EVFTA và tác động kép với xuất khẩu cà phê sang EU |
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trong 10 năm (2012-2022) đã tăng từ 25 tỷ USD lên hơn 123 tỷ USD. Kim ngạch thương mại song phương hai nước trong 7 tháng năm 2023 ước đạt trên 61 tỷ USD. Có thể thấy, đây là những con số minh chứng thực tế cho hiệu quả giao thương giữa hai quốc gia.
Về mặt quan hệ nhà nước, năm 2023 lãnh đạo hai quốc gia đã gặp và hội đàm tại Hà Nội, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác song phương với việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều mặt hàng tiềm năng đạt tiêu chuẩn có thể xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Do đó, đây là cơ hội thuận lợi để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị và bước vào cuộc chơi quốc tế.
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, Hoa Kỳ liên tục là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Hiện Việt Nam có rất nhiều sản phẩm thế mạnh có thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tiềm năng hoàn toàn có thể xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ và ngược lại… |
Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Hoa Kỳ và châu Á, ông Trần Trung Tuấn, đại diện Phòng Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (VUCC) cho biết, theo nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và thị trường Hoa Kỳ cho thấy, có 10 nhóm ngành hàng có thể tiếp cận và đáp ứng cho người tiêu dùng/doanh nghiệp mua hàng ở đây, bao gồm: Các sản phẩm nông sản chế biến sâu; thời trang, may mặc; thủ công mỹ nghệ và quà tặng; chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp; máy móc công nghiệp phụ trợ; dịch vụ du lịch; dịch vụ thú cưng; dụng cụ ngoài trời; bất động sản; công nghệ thông tin... Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp không xuất khẩu hàng hoá mà có nhu cầu tìm kiếm thị trường dịch vụ về công nghệ, giáo dục, tài chính, du học, đầu tư EB5, EB3, EB2… thì đây cũng là một cơ hội tốt để tham gia xúc tiến.
Chia sẻ thêm, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, có nhiều lý do để thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong thời gian qua, ngay cả trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Trước hết là quan hệ giữa hai nước ngày càng được phát triển. Năm 2013, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.
Bên cạnh những thuận lợi, trước nhiều chính sách mới về phát triển bền vững, tiêu dùng xanh, phòng vệ thương mại của thị trường này, theo các chuyên gia, để doanh nghiệp tự tin xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt tình hình, chủ động thích ứng, chuyển hướng sản xuất…
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu, chinh phục thị trường Hoa Kỳ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng, cơ quan thương vụ luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, bạn hàng đáng tin cậy, cũng như tìm hiểu các cơ hội đầu tư, xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, thương vụ cũng hỗ trợ doanh nghiệp khi cần xác minh doanh nghiệp đối tác tại Hoa Kỳ để giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh, hợp tác. Đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại, trước hết thương vụ sẽ theo dõi thông tin, số liệu để có thể đưa ra cảnh báo nguy cơ vụ việc có thể xảy ra. Trong trường hợp vụ kiện phòng vệ thương mại được khởi xướng, thương vụ sẽ phối hợp với các bên liên quan làm việc, trao đổi với cơ quan chức năng tại Hoa Kỳ để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.