Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Phiên chợ Nông nghiệp xanh là hoạt động nằm trong chương trình tái cơ cấu của ngành nông nghiệp Đồng Tháp. Sự kiện cũng được Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức thực hiện trong chuỗi chương trình kết nối hàng Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc |
Phiên chợ giới thiệu, trưng bày các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap, sản phẩm được xác nhận an toàn, có địa chỉ nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, Phiên chợ cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hợp tác xã gặp gỡ, giao lưu học tập kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm kênh tiêu thụ, mở rộng giao thương. Ngoài ra, phiên chợ cũng giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, mua sắm các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thói quen tiêu dùng của người dân với sản phẩm an toàn...
Nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Đồng Tháp được giới thiệu tại phiên chợ |
Phiên chợ lần này có quy mô hơn 40 gian hàng, với các mặt hàng được trưng bày gồm rau, củ, trái cây, trứng, thịt, nông sản chế biến và các mặt hàng thiết yếu khác... của các tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Song song với việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phiên chợ còn có các hoạt động kết nối cung cầu của các đơn vị sản xuất, nhà thu mua, nhà phân phối. Phiên chợ được kỳ vọng sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà phân phối... về thực phẩm an toàn.
Theo ông Dũng, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã liên tục tổ chức Phiên chợ Nông nghiệp xanh tại TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc, thu hút nhiều đơn vị tham gia trưng bày, buôn bán với nhiều sản phẩm các loại, nhiều lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Người tiêu dùng tham quan mua sắm tại hội chợ |
Cũng như các phiên chợ trước, tất cả các sản phẩm khi đưa vào phiên chợ lần này đều phải qua quy trình kiểm tra, xác nhận an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Qua từng phiên chợ đã góp phần nâng cao ý thức sản xuất sạch của người sản xuất cũng như ý thức lựa chọn sản phẩm an toàn của người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Tuấn - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất thanh long ruột đỏ của xã Phú Hựu- Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp- chia sẻ: Việc tham gia phiên chợ đã giúp tổ hợp tác tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả, đồng thời quảng bá nông sản sạch tới các DN, nhà phân phối nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Theo ông Bùi Minh Cần - Phó Giám đốc HTX Xoài Mỹ Hương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài đều dựa vào quy trình sản xuất an toàn. Với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vườn xoài được quy hoạch, có tổ dịch vụ, sổ ghi chép, dần dần chuyên môn hóa các quy trình sản xuất, cách thực hiện chuyên nghiệp. Nhờ đó, HTX Xoài Mỹ Xương ngày càng mở rộng hoạt động. Sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và chọn mua ngày càng tăng. Đặc biệt, thông qua các hội chợ, phiên chợ nông sản do tỉnh tổ chức, việc tiếp cận người tiêu dùng cũng thuận lợi hơn nhiều.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Phiên chợ nhằm tạo điều kiện cho các DN, cơ sở, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, DN khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương, kết nối tiêu thụ. Đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng tìm hiểu, tiếp cận và sử dụng rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, tạo thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn. |