Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon: Bài 1 - Khi xanh hóa trở thành bắt buộc Phát triển xanh hướng đến Net Zero carbon: Bài 2 - Các ngành sản xuất “chuyển mình” theo hướng xanh |
Áp lực từ xu thế thị trường
Hơn 2 năm nay, thói quen sử dụng các vật dụng, sản phẩm xanh đã trở nên quen thuộc với chị Thu Hương (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh). Rau quả hữu cơ, sữa dùng ống hút giấy và sữa được sản xuất xanh, tuần hoàn. Trong khi đó, túi đựng đồ có nguyên liệu thân thiện hoặc phải phân hủy được thay vì túi nylon; giỏ hàng đi chợ, đi siêu thị của chị thì đầy ắp các sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường…
Chị Thu Hương không phải là người tiêu dùng hiếm hoi trong nước đang dần thực hiện lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm… Cụ thể, theo khảo sát của Ban tổ chức Hàng Việt Nam Chất lượng cao 2023 công bố hồi đầu năm nay cho thấy, người tiêu dùng hiện không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, giá cả, mà các yếu tố như an toàn sử dụng, sản phẩm tươi ngon, thông tin về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc - xuất xứ, hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng,…
“Nhu cầu sử dụng các sản phẩm vì sức khỏe, sản phẩm “xanh”, “sạch” và có tính bền vững, ít tác động tới môi trường là một xu hướng nổi bật hiện nay. Theo đó, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả tăng thêm cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, đạt các tiêu chuẩn chất lượng hay thân thiện môi trường (nhãn xanh),…”, khảo sát của đơn vị này chỉ ra.
Theo các chuyên gia, việc người tiêu dùng hướng đến các tiêu chí xanh đồng nghĩa với việc họ quan tâm đến môi trường và chỉ mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc ít gây ô nhiễm môi trường. Những thay đổi trong hành vi tiêu dùng buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải nhập cuộc và có những giải pháp thiết thực nhằm vừa chung tay bảo vệ môi trường, vừa thu hút người tiêu dùng.
Doanh nghiệp bán lẻ nhập cuộc mạnh mẽ
Sớm nhận thức được những vấn đề về bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, ngay từ khi thành lập Saigon Co.op đã tiên phong phát triển các sản phẩm bao bì tự hủy, bao bì tái chế. Bên cạnh việc phân phối các sản phẩm xanh, hơn 14 năm qua doanh nghiệp đã đồng hành trong nhiều chiến dịch phát triển tiêu dùng xanh, hưởng ứng chủ trương tiết kiệm bao bì với khẩu hiệu "Tiết kiệm bao bì là bảo vệ môi trường", hay thực hiện chương trình "Ngày không túi nilon", phát động chiến dịch "Gia đình xanh cùng hành động"...
Thay thế túi sử dụng 1 lần bằng túi sử dụng nhiều lần là cách mà các nhà bán lẻ đang khuyến khích khách hàng |
“Đối với khách hàng khi mua sắm, việc sử dụng bao bì tái chế giúp giảm thiểu rác thải nhựa rất nhiều. Đồng thời chúng tôi cũng vận động đối tác, khách hàng có những hành động liên quan đến việc này. Dự kiến, trong thời gian tới, hệ thống sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang bao bì tái chế được”, ông Đức chia sẻ.
Hay tại Masan, cùng với việc duy trì tỷ lệ hàng Việt trên 90% tại hơn 3.500 siêu thị, cửa hàng WinMart/WinMart+, doanh nghiệp này đang thực hiện tốt vai trò cầu nối giúp các doanh nghiệp với nhà sản xuất nội địa nhằm đem lại các sản phẩm chất lượng cao, nêu cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt. Chuỗi siêu thị này cũng chủ động chung tay bảo vệ môi trường bằng giải pháp khuyến khích thay thế nilon bằng 100% túi tự hủy sinh học; thực hiện các chương trình khuyến mại đối với khách hàng tự sử dụng túi đựng nhiều lần nhằm hình thành thói quen tiêu dùng xanh khi mua sắm…
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm xanh |
Theo các nhà bán lẻ, túi nilon là một trong những loại gây hại nghiêm trọng đến môi trường. Vì tiện lợi và giá thành rẻ, túi nylon được sử dụng trong hầu hết các hoạt động mua bán, đóng gói. Đáng lưu ý, trong số các loại bao bì đang được sử dụng ở Việt Nam thì loại túi nilon siêu mỏng có số lượng lưu thông nhiều hơn cả, song lại không có giá trị thu gom, tái chế nên loại túi nilon này đang tràn ngập ở khắp các bãi rác và hầu như không hề phân hủy. Ước tính, mỗi hộ dân ở thành thị đang thải ra khoảng 2-5 túi nilon mỗi ngày, bởi vậy nước ta đang thải ra môi trường 20 - 60 tấn nhựa/ngày chỉ tính riêng cho túi nilon. Chính vì vậy việc loại bỏ dần túi sử dụng 1 lần trong phân phối tiêu dùng của các nhà bán lẻ đang là động thái tích cực góp phần bảo vệ môi trường sống.
Trong khi đó, với hệ thống MM Mega Market ngoài những giải pháp như các nhà bán lẻ trên, mới đây, MM Mega Market cũng cho biết sắp hoàn thành dự án năng lượng mặt trời mái nhà - giai đoạn 1, dự kiến sẽ cung ứng tới 30% tổng nhu cầu sử dụng điện của các trung tâm, giúp doanh nghiệp giảm lượng khí thải CO2 lên đến 90.532 tấn trong vòng 15 năm.
Ở tầm vĩ mô, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2015-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh và sản xuất sạch hơn và đã có tín hiệu khả quan. Chẳng hạn trong những hệ thống phân phối của Việt Nam tại thị trường nội địa đã có nhiều gian hàng dành riêng cho những hàng hóa hướng tới tiêu dùng xanh. Tiêu biểu như sản phẩm tiết kiệm năng lượng, ít sử dụng đến tác nhân gây hại môi trường như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn cho sức khỏe người lao động và môi trường. Đặc biệt, có những hoạt động tuyên truyền hạn chế sử dụng túi nilon và những sản phẩm ô nhiễm môi trường khác làm từ nhựa…
Để hạn chế được tình trạng này, đạt mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị tăng cường những giải pháp để hạn chế các sản phẩm nhựa trong ngành công thương, không chỉ trong khâu sản xuất mà cả khâu tiêu dùng. "Đây cũng là một trong những văn bản có tính quyết định trong giai đoạn tới đây khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", bà Lê Việt Nga khẳng định.
Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường, thiếu hụt năng lượng, thì xu hướng tiêu dùng xanh, sạch từ người tiêu dùng và chiến lược kinh doanh xanh của các doanh nghiệp được các chuyên gia tin tưởng, sẽ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành bán lẻ, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh của nền kinh tế.
Bài cuối - Cần hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý