Thương hiệu Việt Nam “thăng hạng”: Sức mạnh từ sự đồng thuận Thương hiệu Quốc gia: Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 |
Số lượng thương hiệu tại CPTPP còn khiêm tốn
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.
Tọa đàm Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP |
Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada chia sẻ, Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Theo số liệu của cơ quan chức năng Canada, trong năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi CPTPP, xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn đã tăng hơn gấp đôi, tức là từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu của chúng ta sang địa bàn cũng tăng tới 110% sau 5 năm, tức đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong nhóm các nước CPTPP. Với mức tăng trưởng xuất khẩu cao như vậy, hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada và Canada cũng là nước chúng ta có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.
Tuy gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu như hàng hóa thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương cho biết, nói về Hiệp định CPTPP, chúng ta chủ yếu tập trung nói về ba thị trường mà chúng ta chưa có FTA khi mà CPTPP có hiệu lực, đó là Canada, Mexico và Peru. Bởi vì với các thành viên còn lại chúng ta đã có FTA song phương như Nhật Bản, đa phương cũng có ví dụ như là các thành viên Australia, New Zealand, Singapore hay Malaysia.
“Nếu nhìn vào hai thị trường Canada, Mexico, kể từ khi thực thi CPTPP đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, kể cả trong thời kỳ Covid-19 hay thời kỳ có những biến động về địa chính trị trên thế giới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sang hai thị trường này luôn ở hai chữ số. Ngoài ra thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đấy là một điểm chúng ta cần hết sức ghi nhận” - ông Ngô Chung Khanh nói.
Với thị trường Peru, chúng ta thường cho rằng đây là thị trường khiêm tốn nhưng thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao. Có những năm tăng trưởng ba chữ số. Đấy là một điểm tích cực và cho thấy rõ ràng rằng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tích cực các cơ hội mà từ CPTPP mang lại.
Tuy nhiên, ông Khanh cũng cho rằng, dư địa để doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tại các thị trường đó. Một vấn đề nữa là hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.
“Ở các thị trường này, người ta biết đến cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam nhưng người ta chỉ biết đến một thương hiệu cụ thể của Việt Nam” – ông Khanh thẳng thắn chỉ rõ.
Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài. Họ thu mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Vẫn chưa có nhiều thương hiệu được xây dựng thành công tại thị trường CPTPP |
“Việc xây dựng thành công thương hiệu chỉ diễn ra ở một số doanh nghiệp thực sự có tiềm lực, có khả năng và có sự hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản. Bởi vì nếu doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm phải đảm bảo được chất lượng, đảm bảo tính ổn định cũng như thường xuyên nắm bắt được thị hiếu của thị trường. Từ đó ta mới giữ được khách hàng, giữ được thị trường và giữ được uy tín của thương hiệu của mình đối với nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng quốc tế” - bà Trịnh Huyền Mai chỉ rõ.
Tìm giải pháp xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ở thị trường CPTPP
Dưới kinh nghiệm của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ, ở Mỹ và Canada, nếu như mọi người vào Amazon, mọi người sẽ thấy rất nhiều các thương hiệu trà nổi tiếng Davidson, Teeccino… đều là khách hàng của Vinasamex. Câu hỏi đặt ra là tại sao mình lại không ra một dòng sản phẩm với thương hiệu của mình để khẳng định thêm uy tín? Có thể sản lượng ban đầu chưa phải nhiều so với những mặt hàng khác mình bán số lượng lớn hơn. Tuy nhiên từng bước sẽ giúp cho việc tăng sự phủ rộng thương hiệu đối với khách hàng trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ và Canada.
Cho nên Vinasamex đã quyết định xây dựng thêm hai thương hiệu nhỏ là Spice fest và Cinna kitchen với mục tiêu riêng.
Với Spicefest, Vinasamex mong muốn sẽ mang tất cả những gia vị của Việt Nam đến từng căn bếp của người Mỹ để khi sử dụng những gia vị này, người ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Giống như trong nhà đang có lễ hội (Spice festival là lễ hội gia vị).
Trong quá trình từng bước định vị và phát triển thương hiệu như vậy, Vinasamex cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa được sản phẩm vào các kệ siêu thị hay đưa lên sàn Amazon. Vinasamex đã nhận được sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có được một gian hàng trên Amazon. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của doanh nghiệp.
“Bởi vì rất nhiều doanh nghiệp khi Amazon đòi hỏi rất nhiều hồ sơ, giấy tờ để xem mình có đạt được tiêu chuẩn bán hàng trên đó hay không thì họ đã bỏ cuộc ngay từ bước đầu tiên. Nên tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là doanh nghiệp phải dám bước một bước đầu tiên, nếu như không có bước đầu tiên thì sẽ không có những bước sau” – bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian tới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo ba cấp độ.
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Thứ ba, ở cấp độ quốc gia sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Thứ tư, ở cấp độ ngành hàng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành. Qua đó không chỉ quảng bá và phát triển, bảo vệ các thương hiệu của mình ra thị trường thế giới.
Cuối cùng sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới. Đồng thời có những hoạt động xúc tiến thương mại dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với từng mặt hàng đối với từng thị trường và chung tay cùng với Nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.