Thương hiệu Quốc gia: Chung tay đẩy lùi dịch Covid-19
Tin hoạt động 21/04/2020 21:01
Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình THQG, xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa và những thành tựu mà Chương trình đã đạt được?
Trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu. Năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương trình THQG. Đây là chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ về xây dựng, phát triển THQG thông qua giới thiệu, quảng bá các thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng của Việt Nam.
Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 |
Hơn 15 năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng DN về tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; tôn vinh các thương hiệu sản phẩm, DN tiêu biểu đại diện cho THQG Việt Nam và hỗ trợ các DN nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển thương hiệu…
Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các DN Việt chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của các thương hiệu hàng đầu đạt gần 10 tỷ USD, trong đó phần lớn là DN có sản phẩm đạt THQG, như: Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Theo thông tin từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá THQG có trụ sở tại Vương quốc Anh và có văn phòng ở 20 quốc gia trên thế giới), trong bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2019, THQG Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp hạng thứ 42. Trong giai đoạn 3 năm qua, thứ hạng của THQG Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng 8 bậc và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh nhờ nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Chương trình THQG Việt Nam (Vietnam Value).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương có những hoạt động nào để thúc đẩy vai trò của THQG trong ứng phó với dịch bệnh, thưa Thứ trưởng?
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), xuất nhập khẩu (XNK) của DN Việt Nam. Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý Chương trình THQG đã có những biện pháp cụ thể hỗ trợ DN trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của DN. Cụ thể như triển khai quảng bá sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông số (báo điện tử, mạng xã hội, VOV…) và qua các phóng sự, bài viết đăng tải trên báo chí, truyền hình; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình và các DN, sản phẩm đạt THQG trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế và tại các địa bàn xuất khẩu chủ lực. Bộ Công Thương cũng triển khai các hình thức XTTM phù hợp với tình hình để hỗ trợ DN như: Phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Phát triển Ngoại thương Tứ Xuyên, Trung Quốc (CCPIT Tứ Xuyên), Sở Thương mại Quảng Tây… tổ chức Hội nghị giao thương quốc tế trực tuyến, nhằm kết nối với các khách hàng tiềm năng. Tăng cường các hoạt động kết nối DN với các nhà phân phối…
Trong thời kỳ khó khăn này, vai trò, giá trị của DN THQG đã được thể hiện rõ nét với những hoạt động, đóng góp ấn tượng. Hiện tại, đã có trên 60% số DN THQG triển khai các hoạt động ý nghĩa, thiết thực cùng với số tiền ủng hộ hơn 80 tỷ đồng cho các hoạt động chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19... Các DN THQG không chỉ nỗ lực, chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, mà còn khẳng định vai trò của DN THQG, luôn chung tay cùng cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị Thương hiệu Việt Nam.
Xin Thứ trưởng cho biết định hướng của Chương trình THQG trong thời gian tới?
Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, Chương trình sẽ tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội với các mục tiêu cụ thể, như: Thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược XNK hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt THQG Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam; mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong SXKD, đầu tư.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!