Thủ tướng Chính phủ: Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - đã đến lúc phải làm Nhà ở xã hội: Khó tiếp cận, Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp hỗ trợ giảm giá |
Luật Nhà ở 2014, Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định rõ 10 đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tại Bắc Giang vấn đề này lại chưa được đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đây liệu có phải là căn nguyên khiến các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn nảy sinh tiêu cực? Dự án Evergreen Bắc Giang (thị trấn Nếnh – Việt Yên) là một trường hợp như thế.
Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang chuẩn bị cất nóc nhưng mới có 27 hồ sơ xin mua. |
Pháp luật quy định 10 đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nhiều năm qua, nhờ các khuyến khích của pháp luật trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đã bỏ vốn tham gia đầu tư, góp phần đáng kể trong việc tạo ra nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp theo quy định được có nhà ở.
Tại Bắc Giang, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã được quan tâm và đây cũng là tỉnh tạo ra nhiều nhà ở xã hội nhằm ổn định đời sống của các đối tượng, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng còn một số vấn đề mà UBND tỉnh và các ngành liên quan cần phải quan tâm xử lý.
Theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:
“Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: 1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; 2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; 3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; 4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; 5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; 6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; 7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; 8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này; 9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập”; 10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở”.
Doanh nghiệp tiêu cực, bán nhà ở xã hội sai đối tượng
Đây là câu chuyện gây bức xúc trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vừa qua được nêu trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, tại Dự án Nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang thuộc Khu đô thị mới thị trấn Nếnh (Việt Yên) do Liên danh Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bền vững Evergreen Bắc Giang làm chủ đầu tư, thời gian qua có việc chủ đầu tư bán sai đối đượng, để nhiều nhà đầu tư “ôm” cả tầng để bán lại với giá cao hơn (chênh từ 15 - 20 triệu/căn - theo nguồn thông tin trên báo chí).
Được biết, vào tháng 3/2022, chủ đầu tư dự án này có thực hiện hành vi bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện theo quy định. Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra, xác minh và phát hiện hành vi vi phạm. UBND tỉnh Bắc Giang sau đó đã có Quyết định số 440/QĐ-XPHC ngày 25/3/2022, theo đó, xử phạt Công ty Cổ phần Dịch vụ bất động sản EverLand với số tiền 140 (triệu đồng).
Mặc dù đã bị xử phạt nhưng chủ đầu tư dự án Evergreen Bắc Giang vẫn tiếp tục vi phạm?
Trả lời Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: “Để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến khách hàng có nhu cầu, chủ đầu tư đã ký hợp đồng Công ty Cổ phần Dịch vụ bất động sản EverLand thực hiện công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm của dự án. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư nhằm quảng bá, tư vấn sản phẩm của dự án; tìm kiếm đối tác, khách hàng có nhu cầu mua, thuê sản phẩm của dự án. Trong quá trình thực hiện, Công ty đã tìm kiếm được một số khách hàng có nhu cầu và đã ký “văn bản thỏa thuận”, nhận tiền “đặt cọc” để đảm bảo việc khách hàng hoặc người của khách hàng tìm kiếm được ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng mua bán sản phẩm của dự án với chủ đầu tư khi dự án đủ điều kiện được giao dịch, toàn bộ số tiền đặt cọc sẽ được khấu trừ vào lần thanh toán đầu tiên khi khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Như vậy, đồng nghĩa, chủ đầu tư không có sai phạm như dư luận đã nêu.
Tuy nhiên thực tế, ngày 20/6/2022, Công ty Cổ phần Dịch vụ bất động sản EverLand đã ra văn bản thông báo tới khách hàng về việc hoàn trả cọc tại dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh.
Nội dung văn bản ghi rõ: “Địa điểm hoàn trả: Văn phòng chủ đầu tư, shophouse số 9 lô TM7, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Quý khách hàng đến đúng thời gian và địa điểm trong thông báo để hoàn tất các thủ tục theo quy định trước khi nhận lại tiền đặt cọc…”.
Như vậy, bằng văn bản này, chủ đầu tư đã xác nhận sai phạm của mình và đang khắc phục. Trong khi, Sở Xây dựng lại cho rằng, chủ đầu tư không có sai phạm?
Dư luận cho rằng, cần xem xét lại công tác quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng về vấn đề này.
Tiếp tục thông tin tới Báo điện tử Xây dựng, phía Sở Xây dựng Bắc Giang cũng cho biết: “Chủ đầu tư mới tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội của 27 đối tượng. Hiện Sở Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan để kiểm tra theo quy định và chưa có văn bản thông báo các đối tượng đủ điều kiện được mua nhà ở xã hội tới chủ đầu tư để chủ đầu tư căn cứ ký kết hợp đồng mua bán nhà ở xã hội theo quy định.
“Trong trường hợp phát hiện chủ đầu tư thực hiện ký hợp đồng mua bán với người mua nhà ở trước khi có thông báo của Sở Xây dựng, Sở Xây dựng đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp các hồ sơ tài liệu, chứng cứ, để Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, xác minh làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định”, Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết thêm.
Văn bản hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng mua nhà ở xã hội của Công ty Cổ phần Dịch vụ bất động sản Everland (đơn vị chủ đầu tư ký hợp đồng thực hiện công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm của dự án). |
Vì sao chủ đầu tư đề nghị mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội đã có trong quy định?
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử Xây dựng, dự án Evergreen Bắc Giang có tổng mức đầu trên trên 2.000 tỷ đồng, khi hoàn thiện sẽ đáp ứng 12.000 chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp theo quy định. Hiện các tòa nhà đã xây dựng gần xong, đủ điều kiện để bán nhưng chủ đầu tư mới chỉ nhận được 27 hồ sơ xin mua, mà chưa được Sở Xây dựng phê duyệt.
Có điều lạ, chủ đầu tư lại có văn bản đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh Bắc Giang mở rộng thêm 8 đối tượng mua nhà ở xã hội, mà 8 đối tượng này đã được Luật Nhà ở 2014 và các Nghị định của Chính phủ quy định như đã nêu trên.
Dư luận đang đặt câu hỏi, Luật Nhà ở 2014, Nghị định 49/2021NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội đã quy định rõ 10 đối tượng thuộc diện mua nhà ở xã hội, vậy tại sao doanh nghiệp lại phải xin Sở Xây dựng, UBND tỉnh để bổ sung những đối tượng được mua, mà pháp luật đã quy định? Liệu Bắc Giang có một “luật riêng” chăng?
Với “luật riêng” này, rất có thể sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho chủ đầu tư và làm chậm tiến độ trong việc khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội?
Tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp diễn ra vào đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: “Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội thực chất, lành mạnh và bền vững”.
Với những “quy định pháp luật riêng” của tỉnh Bắc Giang về đối tượng mua nhà ở xã hội như đã nêu trên, Bắc Giang liệu có đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ? Trái với quy định pháp luật hiện hành?
UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Xây dựng cần xem xét và khắc phục sớm vấn đề nêu trên.