Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp: Giải quyết tốt bài toán kinh tế và môi trường |
Lợi thế phát triển kinh tế số
Tại hội thảo “Kết nối trí thức trẻ phát triển nguồn nhân lực số, nền kinh tế số quốc gia” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào chiều ngày 25/11, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế số. Những lợi thế này không chỉ đến từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, từ cơ chế, chính sách của Chính phủ, nhận thức của các cơ quan chức năng và toàn xã hội, mà còn đến từ nhu cầu tất yếu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua, thúc ép các doanh nghiệp và người dân thay đổi suy nghĩ và thói quen hoạt động sản xuất, kinh doanh, thói quen sinh hoạt, mua sắm và tiêu dùng.
Nhân lực cho nền kinh tế số đang được đánh giá thiếu và yếu |
Cụ thể, theo ý kiến phát biểu tại hội thảo, tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam được đánh giá là bùng nổ với dự báo năm 2025 đạt 33-45 tỷ USD, xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và năm 2030 đạt khoảng 74 tỷ USD. Để tạo cơ hội cho phát triển nền kinh tế số, những năm vừa qua Chính phủ cũng ban hành những chính sách nhằm hoàn thiện hạ tầng dịch vụ số, bao gồm cả hạ tầng phần cứng như: Mạng lưới viễn thông, dịch vụ số; xây dựng tài nguyên số, bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và tri thức mở để dự đoán và ra quyết định, bao gồm dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó là ban hành những chính sách chuyển đổi số như chính sách đào tạo nhân lực, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách an toàn thông tin và sở hữu trí tuệ…
Chia sẻ về cơ hội phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Dung – đại diện NIC – đánh giá: Số liệu về doanh thu ngành công nghệ thông tin, viễn thông của Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng rất cao, khoảng 7,1%/năm. Đó là những thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển vào thị trường chuyển đổi số hoặc lĩnh vực số. Đặc biệt, mức lương của các lập trình viên ở trong nước cũng rất cao so với các ngành nghề khác, đây là cơ hội để thu hút lực lượng lao động tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới.
Nguồn nhân lực thiếu và yếu
Bên cạnh cơ hội, ông Nguyễn Hải Minh – đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh – cho rằng: Kinh tế số, chuyển đổi số còn là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay, nhưng để phát triển được nền kinh tế số, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực.
Theo Ban tổ chức hội thảo, Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng”, nhưng chưa “vàng về chất lượng”, nên nguồn nhân lực cho kinh tế số vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Về số lượng, theo bà Nguyễn Ngọc Dung: Năm 2021, Việt Nam cần 450 ngàn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên chúng ta mới chỉ có 430 ngàn, vẫn còn thiếu 20 ngàn vị trí nữa. Trong khi, số sinh viên của Việt Nam tốt nghiệp hàng năm thì chỉ có 16.500 sinh viên trong tổng số 55 ngàn sinh viên, bản thân sinh viên được đào tạo ra thì cũng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Theo dự báo, năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu 150 ngàn nhân lực vì khi đó nhu cầu của chúng ta đã tăng lên 530 ngàn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Về chất lượng nguồn nhân lực, bà Nguyễn Ngọc Dung cho biết, so với các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan thì Việt Nam xếp loại cuối. Điều này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế số quốc gia và chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong nước.
Để giải quyết vấn đề thiếu và yếu của nguồn nhân lực, bà Nguyễn Ngọc Dung đề xuất, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi để các em sinh viên, đặc biệt các em nữ tham gia nhiều hơn vào ngành công nghệ thông tin. Mà nếu đào tạo không đủ, thì phải tính đến chuyện “nhập khẩu” từ nước ngoài.
Dẫn chứng đưa ra tại hội thảo cũng cho biết, các cường quốc lớn như Trung Quốc, Nhật Bản họ cũng có những chính sách đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực cao làm về công nghệ thông tin đến làm việc. Đặc biệt ở Silicon Valley (Hoa Kỳ), theo như nghiên cứu thì 2/3 số người làm việc trong các công ty nghệ cao đều “nhập khẩu” từ nước ngoài. Cùng với đó, cần có chính sách tạo điều kiện để các chuyên gia nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đến Việt Nam làm việc như cấp visa đặc biệt cho chuyên gia nước ngoài giống như tại Nhật Bản và Silicon Valley đã làm.
Định hướng phát triển nền kinh tế số được nhiều quốc gia lựa chọn trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, kinh tế số đã có bước phát triển đáng kể cả về nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh, trong đó internet đã trở thành một phần thiết yếu của các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… |