Quản lý Cụm công nghiệp tại Hải Phòng: Quy định chồng chéo |
Do đó, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án, Hà Nội cần làm tốt công tác quy hoạch và sớm ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tiến độ các dự án còn chậm
Cụm công nghiệp Võng Xuyên vừa được khởi công xây dựng tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội sau 2 năm nỗ lực thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Theo lãnh đạo thành phố, trên địa bàn huyện Phúc Thọ hiện mới có 2 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích khoảng 10ha; do đó, việc hình thành thêm các cụm công nghiệp để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết.
Khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Võng Xuyên |
Trước đó, ngày 24/5, Cụm công nghiệp Đan Phượng - giai đoạn 2, nằm trên địa bàn xã Đan Phượng, do Công ty TNHH Xuân Phương làm chủ đầu tư, có quy mô 6,8ha, tổng mức đầu tư 188 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng. Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan đồng bộ, hiện đại nhằm giải quyết nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn, ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong vòng 4 tháng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, sở đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan và các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục khởi công đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập và triển khai công tác thành lập mới các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, đã có 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín và Thạch Thất được khởi công; đang thẩm định thành lập, mở rộng 21 cụm; báo cáo UBND thành phố họp hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín, 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thạch Thất.
Cũng theo Sở Công Thương Hà Nội, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã thu hút được gần 3.900 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với hơn 60.000 lao động, nộp ngân sách bình quân hàng năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay quá trình triển khai thực hiện các cụm công nghiệp còn chậm so với tiến độ; công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng tiến độ khởi công. Mặc dù đã có chỉ đạo của UBND thành phố và góp ý của các sở, ngành liên quan nhưng đến nay một số huyện vẫn chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 cho các cụm công nghiệp trên địa bàn (huyện Thạch Thất, Gia Lâm)…
Cần làm tốt công tác quy hoạch
Quyết liệt thúc đẩy tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, ngày 16/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022. Cùng với đó, ngày 17/3/2022, UBND thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - nhấn mạnh, không thể không tập trung vào phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, vì đây là hạ tầng, mặt bằng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội hiện có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động |
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trước hết ngành Công Thương phải có phân công, phân nhiệm rõ ràng, bám sát chỉ đạo của thành phố; đồng thời, sớm ban hành quy chế quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, cần thúc đẩy thêm các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn theo hướng sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ cao như vi mạch, thiết bị điện tử… để phục vụ cho xuất khẩu theo đường hàng không, nhằm tạo ra “cú huých” bứt phá cho ngành công nghiệp Thủ đô.
“Các sở, ngành cần làm chuẩn chỉnh ngay từ công tác quy hoạch; kiên định trong vấn đề thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; hướng đưa các hộ dân sản xuất tại làng nghề ra các khu, cụm công nghiệp để hạn chế ô nhiễm tại các làng nghê” - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Để từng bước phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - khẳng định, thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan tháo gỡ khó khăn, đôn đốc hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 6 cụm công nghiệp đã khởi công; khởi công, đầu tư hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Đồng thời, triển khai xây dựng Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Đề án chiến lược phát triển Công nghiệp địa phương để phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố và của vùng.
Song song với đó, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; thúc đẩy liên kết, hợp tác, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố với các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng…
Ngoài ra, sở sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực của UBND TP. Hà Nội tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề; tổ chức các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước…
Trong năm 2021 mới có 2/43 dư án hạ tầng cụm công nghiệp tại Hà Nội được khởi công theo kế hoạch. Để khởi công 41 dự án còn lại theo chỉ đạo của UBND thành phố trong năm 2022, trên cơ sở nhiều giải pháp cụ thể đã được chỉ ra, các cấp, ngành liên quan cần quyết liệt triển khai, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương.