Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, và đơn vị tư vấn liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.
Mới có 300 công trình xanh được đánh giá
Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng phát thải nhà kính (KNK) thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại tọa đàm |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết: Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào khoảng giai đoạn những năm 2005-2010. Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng đánh giá, con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện, Việt Nam cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh
Hiện công tác phát triển công trình xanh tại Việt Nam còn gặp nhiều rào cản. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, ngoài khó khăn do tác động của đại dịch covid, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn như tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh...
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều cho rằng, hiện vẫn đang thiếu bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh. |
Đơn cử, tại tọa đàm, đại diện chủ đầu tư Văn Phú Invest cũng cho biết, đơn vị gặp rất nhiều những khó khăn trong công tác thúc đẩy phát triển công trình xanh. Cụ thể, tại Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn có tính pháp lý rõ ràng cho công trình xanh. Đại diện Văn Phú Invest đưa ra một ví dụ cụ thể: Đơn vị đã xây dựng hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại các công trình của Văn Phú Invest, tuy nhiên đến khi hoàn thiện công trình thì bàn giao cho nhà nước như thế nào? Chính vì không có một quy định hướng dẫn cụ thể nên các doanh nghiệp còn loay hoay không biết triển khai như thế nào?
Đồng quan điểm với đại diện chủ đầu tư Văn Phú Invest, ông Đặng Minh Phương – Giám đốc điều hành khu vực miền Bắc của Saint - Gobain Việt Nam kiến nghị: Làm thế nào để giúp cho quá trình xác nhận cong trình xanh được nhanh gọn hơn, sớm để cộng động chúng ta có được một tiêu chuẩn chung về vật liệu đầu vào cho các công trình xanh. Từ đó, các đơn vị sẽ có được những tiêu chí cụ thể về công trình xanh để có thể áp dụng vào thực tế triển khai.
Đồng tình với khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp khi triển khai công trình xanh, tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế. Phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng phải gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh và lấy trọng tâm là con người và bản sắc địa phương hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên
Về chính sách cụ thể, cũng đồng tình với đề xuất của các doanh nghiệp, ông Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách, hàng lang pháp luật quy định rõ ràng về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...). Quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi của các tổ chức liên quan đến việc phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội đồng Công trình xanh... và các chuyên gia nước ngoài.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.