Diện tích trồng tăng
Nằm cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 11km, xã Chiến Phố có 10 thôn, bản gồm 2 dân tộc Nùng và Mông cùng sinh sống. Điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53,5%.
Đồng bào dân tộc vui mừng vì sản phẩm đã được bao tiêu đầu ra |
Thời gian qua, nhằm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định những cây, con thế mạnh để phát triển. Trong đó, cây mận máu được xã tập trung mở rộng diện tích, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu mận máu của địa phương. Nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây ăn quả này, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo bà con mở rộng diện tích, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm.
Hiện toàn xã Chiến Phố có 36,5 héc-ta mận máu, trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 8 héc-ta. Những năm trước đây, người dân vẫn chủ yếu trồng theo tập quán truyền thống nên tỷ lệ sống của cây không cao, trồng không đúng mật độ, đốn tỉa, tạo tán không đúng kỹ thuật dẫn đến năng suất thấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian qua, xã Chiến Phố đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, bản vận động bà con mở rộng diện tích. Ðồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật… Các giải pháp này đều nhằm mục đích hướng đến phát triển cây mận máu thành sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Sản phẩm được bao tiêu đầu ra
Với giá bán dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg, nhất là vào thời điểm đầu hoặc cuối vụ, giá bán có thể tăng lên mức trên 40.000 đồng/kg, cây mận máu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trồng. Đặc biệt, do đã có thương hiệu nên bà con không phải mang mận ra chợ bán như ở nhiều nơi khác mà có thương lái vào tận vườn thu mua. Thậm chí vào đầu vụ, dù mận chưa chín nhưng đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt cọc trước với giá cao nhất lên đến 50.000 đồng/kg.
Niên vụ mận máu vừa qua, Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Nông - lâm sản Chiến Phố nằm tại trung tâm xã Chiến Phố đã bao tiêu toàn bộ sản phẩm mận máu cho bà con nông dân trên địa bàn. Đồng thời ra mắt sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì với quy cách đóng gói bao bì, bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Với mức giá thu mua ngay tại địa bàn từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, hợp tác xã đã giúp người dân vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay, các hộ đã trồng mới được trên 3 héc-ta cây mận máu.
Vừa qua, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Phương án Phát triển cây lê và mận máu theo hướng hàng hóa giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, xã Chiến Phố nằm trong vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây mận máu của huyện. Với cơ chế hỗ trợ 100% cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình, chính quyền địa phương tin tưởng đây sẽ là cơ hội tốt để xã mở rộng diện tích, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây và hướng đến phát triển bền vững cây mận máu địa phương theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho bà con. Đây cũng là hướng đi mà huyện Hoàng Su Phì lựa chọn để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân.