Kênh phân phối hiệu quả
Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đã khẳng định như vậy tại tọa đàm Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn do Tạp chí Công Thương tổ chức chiều 7/12.
Tọa đàm Phát triển bền vững hệ thống phân phối thực phẩm an toàn |
Bà Lê Việt Nga chia sẻ, năm 2010, Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua và ban hành. Qua đó các Bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố đều đã được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng.
Theo đó, những mặt hàng được Bộ Công Thương quản lý là rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, dầu ăn, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột và tinh bột… Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã triển khai các chức năng, nhiệm vụ của mình liên quan đến vấn đề phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại văn minh và đổi mới cách quản lý đối với chợ truyền thống sao cho bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều những hoạt động về tập huấn, tuyên truyền phổ biến cho người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương để biết được làm thế nào xây dựng được hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng lồng ghép những hoạt động về an toàn thực phẩm vào những chương trình lớn về kinh tế - xã hội do Bộ Công Thương triển khai.
“Nhờ đó, đến nay, hơn 50 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng được hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn với một tiêu chí quan trọng số 1 là bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá cả hợp lý” – bà Lê Việt Nga thông tin.
Bộ Công Thương cũng lồng ghép việc xây dựng kênh phân phối thực phẩm an toàn vào những chương trình như Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hay những chương trình về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình hỗ trợ cho phát triển nông thôn mới để kết nối được những nông sản, thực phẩm an toàn sản xuất tại các địa phương đưa vào các kênh phân phối trong nước...
Năm nay, với Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương đã bước sang một giai đoạn đó là quảng bá cho những sản phẩm hàng hóa gọi là “tinh hoa Việt Nam”. Đây đều là những sản phẩm có đủ chuẩn xuất khẩu ra nước ngoài hoặc đạt được những thương hiệu rất cao, mang tầm quốc gia, khu vực, được đưa vào trong hệ thống phân phối trong nước bảo đảm an toàn thực phẩm.
Chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo phát triển được chuỗi cửa hàng phân phối thực phẩm an toàn, ông Nguyễn Quốc Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MaetLife chia sẻ, để kiểm soát được chất lượng và độ an an toàn của thực phẩm thì không chỉ làm ở phần ngọn mà phải làm từ gốc và đó là giá trị của chuỗi cung ứng từ trang trại đến bàn ăn.
Hiện hệ thống trang trại của Masan MaetLife ở cả trang trại heo và trang trại gà đều đạt được chuẩn GLOBAL GAP. Với heo thịt MEATDeli thì con giống được nhập từ Canada; thức ăn sử dụng cũng từ nguồn của nhà máy đạt chuẩn GLOBAL GAP. Trang trại của Masan MeatLife ở Nghệ An với 12.000 nái, một năm có thể sản xuất ra 250 ngàn con heo thịt đạt chuẩn GLOBAL GAP.
“Vừa rồi, Trang trại của Masan MeatLife ở Nghệ An được chọn là nguyên mẫu đầu tiên của chương trình chăn nuôi an toàn sinh học và khống chế dịch bệnh của IFC, chuẩn châu Âu cho Việt Nam. Đây là trang trại nguyên mẫu đầu tiên có chứng chỉ sạch bệnh” - ông Nguyễn Quốc Trung chia sẻ.
Thịt MEATDeli đến với người tiêu dùng đảm bảo mức độ an toàn |
Đặc biệt, Masan đang triển khai chương trình chăn nuôi an toàn theo nguyên mẫu và dự kiến đạt được chứng chỉ vào tháng 6/2023. Ngoài chứng chỉ GLOBAL GAP đã có, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ căn cứ vào kết quả của nguyên mẫu này để đàm phán với những đối tác thương mại để đảm bảo nguồn thịt heo xuất ra thị trường thế giới là có đủ tiêu chuẩn. Hiện nay, Việt Nam chưa chưa có chuẩn đó, nếu chúng ta thành công sẽ có nguồn nguyên liệu cực kỳ an toàn sạch bệnh và được công nhận bởi các tổ chức thế giới.
Tại tổ hợp MeatLife Hà Nam, nhà máy giết mổ cũng đạt tiêu chuẩn BRC - tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hàng đầu, được công nhận tại các thị trường khắt khe nhất thế giới, là tiêu chuẩn vàng về phân phối an toàn thực phẩm. Masan MaetLife áp dụng cái quy trình 3 tuyến kiểm duyệt, heo khỏe ở trại về tới nhà máy thì được kiểm dịch bởi thú y là phải khỏe thì mới được vào nhà máy, sau khi giết mổ xong thì từng con một sẽ được lấy hạt để kiểm tra mức độ an toàn về thực phẩm trước khi đến người tiêu dùng.
“Vì vậy, chúng tôi rất tự tin với quy trình như vậy, thịt MEATDeli đến với người tiêu dùng đảm bảo mức độ an toàn, không tồn dư kháng sinh, không chất cấm, không hóc môn tăng trưởng, an toàn về mặt sinh học, tức là sẽ không có những vi sinh, vi khuẩn, virus có hại ở trong hộp thịt MEATDeli” – ông Trung nói.
Bà Lê Thị Nga – Tổng Giám đốc Công ty CP Ong Tam Đảo (Honeco) chia sẻ thêm, Honeco đã tập trung cho xây dựng quy trình, thường xuyên tập huấn cho các trang trại liên kết của mình để họ sản xuất theo quy trình nhất định của nhà máy đưa ra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đặc biệt là nuôi ong đúng quy trình. Thứ nhất là thời gian khai thác phải đủ chín và thứ hai là nuôi ong theo phương pháp sinh học, không sử dụng đến kháng sinh trong quá trình chăn nuôi, không sử dụng đường sắt ca rô cho ong ăn trong quá trình khai thác. Đó là điều mà Honeco kiểm soát rất chặt chẽ.
Đồng thời, trong các nhóm trang trại, Honeco sẽ lựa chọn những trang trại nào có kinh nghiệm và có uy tín nhất để kiểm soát một nhóm trang trại. Quá trình cán bộ kỹ thuật của Honeco không đến được, chính những người đó là những người kiểm soát cho những trang trại xung quanh. Họ sẽ kiểm soát việc không được sử dụng kháng sinh trong quá trình chữa bệnh cho ong, hoặc là không được cho ăn khi nguồn hoa ngoài thiên nhiên hạn chế.
Từ nguồn sản phẩm chất lượng, Honeco đã chủ động đưa sản phẩm vào các kênh phân phối như siêu thị Coop Mart, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Honeco cũng tự xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm để trực tiếp phân phối các sản phẩm chính hãng đến người tiêu dùng.
Cần có sự chung tay
Mặc dù có những hiệu quả lớn, song việc xây dựng kênh phân phối thực phẩm an toàn vẫn còn nhiều hạn chế. Bà Lê Việt Nga nhấn mạnh, thời gian tới, để xây dựng được những mạng lưới, các chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn, không chỉ riêng ngành Công Thương có thể làm được, cũng không thể địa phương làm riêng, hay là trung ương làm riêng, mà phải có sự vào cuộc đều tay.
Để có chất lượng tốt, nhân rộng nhanh, thời gian tới, Bộ Công Thương xác định thực hiện tốt Chỉ thị của Ban bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chức trách của Bộ Công Thương qua quy định tại Nghị định 96/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022; thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, 3 nhiệm vụ chính về an toàn thực phẩm.
Một là, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi đối với các nhóm mặt hàng Bộ Công Thương được giao tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010.
Thứ hai, tiếp tục quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh từ hai sản phẩm do hai bộ, ngành quản lý trở lên.
Thứ ba, là quản lý an toàn thực phẩm tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng ở dạng nhà kho, tổng kho và các cái loại hình kinh doanh khác.
Tuy nhiên, số lượng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh có chứng nhận, chứng chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Chưa kể, cho tới nay, 70% hàng hóa vẫn qua chợ, hàng hóa qua siêu thị mới chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại qua kênh thương mại điện tử. “Thời gian tới, làm thế nào nhân nhanh được hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại? Lấy nguồn vốn từ đâu, từ nước ngoài hay là từ phía người dân đóng góp, hay từ phía doanh nghiệp huy động?” – bà Nga trăn trở.
Theo đó, trong tháng 12 này, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý và phát triển chợ, quy định rõ các chợ truyền thống sẽ được khai thác như thế nào. Nhà nước xây dựng hạ tầng thương mại ở các chợ truyền thống sạch sẽ bảo đảm an toàn thực phẩm, có những nguồn vốn cho vay để đầu tư máy móc, thiết bị giúp bảo quản thực phẩm an toàn.
Về phía các doanh nghiệp, bà Nga cho rằng, các doanh nghiệp thời gian vừa qua cũng đã nhận thức được rằng, nếu như bảo đảm được an toàn thực phẩm thì đấy là một cách xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững nhất. Do đó, thời gian tới, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, hiến kế ra những điều kiện kinh doanh phù hợp, xây dựng tốt nhất mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn, đóng góp vào phát triển kinh tế.