Những năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đã phát huy hiệu quả vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt đối với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 (Chỉ thị 30) của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đó, thực hiện nguyên tắc “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội”, thời gian qua, không chỉ Bộ Công Thương, mà tại các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương đã tích cực triển khai sâu rộng Chỉ thị 30 và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 (Nghị quyết 82) của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, phần lớn các bộ, ban ngành ở Trung ương đã thực hiện quán triệt Chỉ thị 30 và đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 30, Nghị quyết số 82 trong lĩnh vực của mình quản lý, cụ thể đã có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương, 4/8 cơ quan thuộc Chính phủ ban hành các văn bản chuyên biệt để thực hiện Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82, đồng thời, các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được lồng ghép thực hiện trong các hoạt động chính trị, chuyên môn của tất cả các bộ, ban, ngành.
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Trung ương đã lồng ghép quán triệt Chỉ thị 30 trong các hội nghị, hội thảo, các buổi tập huấn, các cuộc họp giao ban của cấp ủy, của chi bộ và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị.
Các đài phát thanh, truyền hình đã xây dựng các chuyên đề nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Các đài phát thanh, truyền hình như VOV, VTV đã xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, thực hiện các phóng sự, bản tin về quán triệt, thực hiện Chỉ thị 30, Nghị quyết số 82.
Đối với nhiệm vụ tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy có 12/22 bộ, cơ quan ngang bộ lồng ghép các tiêu chí giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các đơn vị, nếu tính cả Bộ Công Thương thì con số là 13/22 bộ, cơ quan ngang bộ chiếm tỷ lệ 59%.
Trong khi đó, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quả lý nhà nước đối với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có 4 bộ, ngành triển khai. Cụ thể, Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Chương trình phối hợp số 02/CTPH-BCT-BKHĐT giai đoạn 2021-2025 có nhiều nội dung trong đó có nội dung liên quan “Nghiên cứu cơ chế, chính sách xã hội hóa trong đầu tư cho bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tại Bộ Tài chính, đã phân bổ kinh phí 7 tỷ đồng cho các hoạt động liên quan đến thực hiện Nghị quyết 82 trong năm 2020. Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030; đồng thời cấp phép cho 777 tổ chức đánh giá sự phù hợp, trong đó 586 tổ chức thử nghiệm, 107 tổ chức chứng nhận, 79 tổ chức giám định, 5 tổ chức kiểm định chất lượng sản phầm, hàng hóa liên quan đến bảo vệ quyền lời người tiêu dùng.
Còn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản và an toàn thực phẩm…
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh |
Đối với nhiệm vụ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng đưa tin về Chỉ thị 30 và Nghị quyết 82 trên các phương tiện thông tin đại chúng; ban hành Quyết định số 477/QĐ-BTTT ngày 12/4/2021 ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tại các cuộc họp giao ban với Ban Tuyên giáo Trung ương trú trọng các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp với từng loại hình báo chí…
Chỉ thị 30 cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, hỗ trợ người tiêu dùng. Đối với nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp đã ban hành Luật số 67/2020/QH14 Luật sửa đổi và bổ sung một số điều xử phạt vi phạm hành chính, trong luật cũng quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; còn tại Bộ Khoa học và Công nghệ, đã sửa đổi quy định pháp luật nhằm đầy mạnh hoạt động của các tổ chức kiểm định, đông thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chặt chẽ hàng hoá, dịch vụ nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân, đặc biệt vùng biên giới, hải đảo, vùng xung yếu phối hợp các cơ quan có liên quan ngăn chặn tận gốc tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại; Bộ Công an thực hiện tăng cường đấu tranh, xử lý hình sự với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng.
Về nhiệm vụ chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN và quốc tế, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đóng góp vào các sáng kiến, nỗ lực của ASEAN trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể nói, mỗi bộ, ban, ngành ở cấp trung ương đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được yêu cầu tại Chỉ thị số 30, qua đó, không chỉ góp phần đóng góp vào thành công chung của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thể hiện rõ nét vai trò lan tỏa và tạo sự đồng thuận trong triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.