Chính phủ đề nghị kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bảo hiểm xã hội Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm thông tin sai sự thật về trái phiếu, ép buộc khách mua bảo hiểm |
Chiều 30/3, tại họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và hiện đang hoàn thiện kết luận thanh tra, sẽ thông tin khi kết luận chính thức được công bố.
Theo ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), năm 2022 đã thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm. Khi thanh tra, Cục Quản lý giám sát đã phát hiện sai phạm nhất định, sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, sẽ công bố rộng rãi theo quy định.
Được biết, ngày 21/2 vừa qua, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng, email để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bán bảo hiểm.
Đường dây nóng được công bố sau hàng loạt phản ánh của người dân về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhiều lần yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới bảo hiểm nhừm hạn chế tối đa tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm cũng như đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua bảo hiểm.
Ông Doãn Thanh Tuấn cho biết, sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã cử cán bộ trực tiếp tiếp nhận thông tin, phân loại thông tin phản ánh, đồng thời xác minh thông tin ban đầu.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm; đặc biệt, tuân thủ quy định không ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cho biết, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng, chiếm 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Việc phát triển nhanh chóng đã làm phát sinh các bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ và cần phải có biện pháp chấn chỉnh.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tinh đến ngày 12/12/2022, thị trường có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%, trong đó doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.