Phát hiện nhiều vi phạm, TP. Hồ Chí Minh tổng kiểm tra chung cư xây dựng từ 2005
Hàng loạt sai phạm
Thời gian gần đây, nhiều chung cư tại TP. Hồ Chí Minh thường xảy ra tranh chấp về các vấn đề như quỹ bảo trì, sở hữu chung - riêng, thành lập ban quản trị, chủ đầu tư vi phạm xây dựng hoặc chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng. Trong đó, vấn đề nợ sổ hồng, tranh chấp phí bảo trì, chất lượng chung cư xuống cấp… đang là vấn nạn mà nhiều cư dân chung cư đang khổ sở chịu đựng nhiều năm nay…
Ông Ngô Đức Việt, cư dân sinh sống tại chung cư Moonlight (đường Đặng Văn Bi, phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức) vô cùng bức xúc và lo ngại vì quyền lợi hợp pháp của cư dân tại dự án này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, hơn 3 năm nay, các hộ dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Việc này gây khó khăn cho các hộ dân khi có nhu cầu chuyển nhượng căn hộ và vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, người dân đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân nhưng chỉ nhận được sự hứa hẹn.
Kiểm tra hàng loạt chung cư do tranh chấp kéo dài thời gian qua |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Trình, cư dân sinh sống tại chung cư 4S Linh Đông (phường Linh Đông, TP. Thủ Đức) cho biết, chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho gia đình ông từ năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được sổ hồng. Cách đây 2-3 năm, cư dân bức xúc treo băng rôn đòi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) và yêu cầu công khai quỹ bảo trì chung cư nhưng không được đáp ứng.
Ngoài ra, việc tranh chấp sở hữu chung của nhà chung cư; bảo hành, bảo trì, sửa chữa các hạng mục công trình; khai thác tầng hầm giữ xe; công tác quản lý, vận hành chung cư… Cư dân đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng, lãnh đạo thành phố để phản ánh, kiến nghị xem xét thanh tra xử lý vi phạm và chế tài buộc chủ đầu tư hoàn tất nghĩa vụ để sớm được cấp sổ hồng cho 1.154 chủ sở hữu nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Trước tình hình trên, mới đây Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi UBND thành phố về kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ kiểm tra các chung cư được xây dựng từ năm 2005 đến nay, đã đưa vào sử dụng trên địa bàn (nếu xét thấy cần thiết, có thể mở rộng phạm vi đối tượng kiểm tra). Nội dung kiểm tra gồm: Pháp lý đầu tư xây dựng; tình hình quản lý sử dụng; quỹ bảo trì, an toàn phòng cháy chữa cháy, hoạt động của ban quản trị, nghĩa vụ của chủ đầu tư. Thời gian kiểm tra từ nay đến hết tháng 7/2022.
Cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, trong thời gian qua hàng loạt các chung cư ở TP. Hồ Chí Minh thường xảy ra tranh chấp về các vấn đề như quỹ bảo trì, sở hữu chung - riêng, thành lập ban quản trị, chủ đầu tư vi phạm xây dựng. Đặc biệt là vấn đề chậm nộp hồ sơ cấp sổ hồng. Điều này đã gây bức xúc lớn cho các cư dân sinh sống tại đây.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, trên thực tế hiện nay có nhiều người đã chạy vào ban quản trị chung cư để trục lợi quỹ bảo trì 2%, chiếm dụng không gian chung như đường nội bộ, các không gian có thể kinh doanh để trục lợi.
Với đơn vị quản lý vận hành, thời gian qua nhiều công ty cũng chưa thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Điển hình như, vụ cháy chung cư Carina (quận 8) năm 2018, nếu Ban quản lý chung cư không có động thái đối phó khi kiểm tra về phòng cháy chữa cháy thì hậu quả mà không lớn như vậy.
Với cư dân sinh sống, rất nhiều cư dân cũng đang thờ ơ, không tham gia các hoạt động nhà chung cư. Từ đó dẫn đến việc lựa chọn ban quản trị không chính xác. Chính vì vậy, Việc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tiến hành thanh, kiểm tra các dự án đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, nhằm chấn chỉnh hoạt động đầu tư, xây dựng cũng như trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ đầu tư cũng như công ty quản lý vận hành.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc thanh kiểm tra này là rất cần thiết và cần làm thường xuyên. Hiện nay nhà nước đang trong tiến trình làm sạch thị trường chứng khoán và bất động sản. Thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến nguồn vốn cho thị trường bất động sản - được xem là "cục máu đông" của thị trường bất động sản trong giai đoạn 2011 – 2013.
Mặc dù đã thực hiện chấn chỉnh những sai phạm từ năm 2013 – 2014 nhưng trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều sai phạm. "Rất nhiều chủ đầu tư đã xây dựng và bán dự án cho người dân ở ngay trung tâm thành phố như quận 2, quận 7, quận Phú Nhuận... từ 5,6 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có giấy phép ký hợp đồng mua bán, chưa đầy đủ pháp lý để ra sổ hồng", chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Đánh giá về những sai phạm này, ông Hiển cho rằng, căn hộ là phân khúc chính của thị trường bất động sản tại các đô thị. Vì vậy những sai phạm dẫn đến tranh chấp kéo dài trong thời gian qua đã làm cho thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. "Những khó khăn này không chỉ gây thiệt hại cho người mua nhà mà còn làm suy yếu thị trường nhà ở ở đô thị, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nhà ở đô thị", chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết.
Ngoài ra, về vấn đề quỹ bảo trì chung cư, các chủ đầu tư đều có quỹ bảo trì song luôn bị nhập nhằng giữa chủ đầu tư và ban quản lý, ban quản trị.
Cũng theo ông Đinh Thế Hiển, việc kiểm tra các dự án cần phải được thực hiện thường xuyên. Cùng với cơ quan chức năng, các ngân hàng cũng phải nâng cao vai trò hơn nữa trong việc liên kết, bảo lãnh các dự án để giảm bớt những sai phạm. "Các ngân hàng hoàn toàn có đủ chuyên môn, thời gian và nguồn lực để thẩm định, thẩm tra các vấn đề về pháp lý dự án trước khi cho chủ đầu tư vay vốn", ông Hiển khẳng định.
Theo thông tin của Sở xây dựng, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 1.518 chung cư với 2.445 lô, bao gồm 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Một số địa phương có nhiều chung cư như quận 5 (245 chung cư), quận 1 (230 chung cư), quận Bình Thạnh (156 chung cư), quận 7 (103 chung cư), quận Tân Bình (67 chung cư), quận Tân Phú (76 chung cư), TP. Thủ Đức (154 chung cư)… Riêng huyện Cần Giờ và Củ Chi không có chung cư. |