Thứ bảy 10/05/2025 21:24

Phát hiện nhiều cửa hàng bán trang sức giả mạo thương hiệu

Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh đã xử phạt nhiều cửa hàng có hành vi bày bán trang sức giả mạo thương hiệu nổi tiếng.

Nhằm triển khai chỉ đạo tại Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, thời gian vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng. Hàng loạt các cơ sở kinh doanh vàng đã bị kiểm tra xử phạt, các lỗi vi phạm chủ yếu như: Sản phẩm không có tem nhãn; thông tin trên tem nhãn sản phẩm không đầy đủ; sản phẩm trang sức giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier, BVLGari...

Kiểm soát viên Đội QLTT số 1 kiểm tra Cửa hàng vàng, bạc trên địa bàn thành phố Hạ Long. (Nguồn ảnh: Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh)

Đơn cử, ngày 8/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra 2 cửa hàng thuộc Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Lê Cương (địa chỉ tại số 12, Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long). Tại đây, đoàn phát hiện các cơ sở kinh doanh đang bày bán 9 sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel và Louis Vuitton (LV), trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 66 triệu đồng.

Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 1 đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Cục đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh xử phạt doanh nghiệp 90 triệu đồng và xử lý tang vật vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tương tự, tại tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH thương mại vàng bạc Kim Chung (địa chỉ tại 219 Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa) đã bị xử phạt 205 triệu đồng, sau khi Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa phát hiện công ty có hành vi trưng bày trang sức giả mạo các nhãn hiệu: Chanel, Versace, Dior, Christian Dior, Hermes, LV.

Công ty này sau đó cũng bị đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh lắc kim loại màu vàng, màu trắng trong thời hạn 2 tháng; buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hàng hoá.

Trong tháng 7, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang đã xử phạt Công ty TNHH TM Vàng bạc TH (đại chỉ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) số tiền 125 triệu đồng, do phát hiện cơ sở này đã bày bán 11 chiếc mặt dây truyền vàng trang sức có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel và 45 đơn vị sản phẩm trang sức không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, 45 sản phẩm trang sức trên đã bị Cục Quản lý Thị trường tịch thu, và 11 chiếc dây truyền vàng giả mạo Chanel đã bị buộc phải tiêu hủy.

Trước sự kiểm tra, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, một số cơ sở kinh doanh vàng đã có động thái “né” kiểm tra bằng cách tạm thời đóng cửa. Một số cửa hàng đã tạm thời cất các sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng được bảo hộ độc quyền như Chanel, Dior, Cartier, LV, Bulgari… và chỉ bán khi khách hàng hỏi trực tiếp.

Một số cơ sở kinh doanh thậm chí còn thay đổi hình thức kinh doanh bằng cách chạy quảng cáo và chỉ bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Một ví dụ là trang Facebook có tên La Campanule Jewelry thường xuyên quảng cáo và rao bán các sản phẩm được giới thiệu là chất liệu bạc, mạ vàng 18k giả nhãn hiệu LV. Các sản phẩm được rao bán với mức giá từ 1 triệu cho đến vài triệu và chỉ được bán online.

Trang Facebook La Campanule Jewelry có hành vi rao bán sản phẩm trang sức LV giả mạo. (Ảnh chụp màn hình)

Hành động ngang nhiên bày bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, thậm chí là né tránh các cơ quan chức năng, là minh chứng cho thái độ coi thường pháp luật, chạy theo lợi nhuận của nhiều chủ kinh doanh vàng bạc đá quý. Vì vậy, sự vào cuộc, kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng là cần thiết hơn bao giờ hết, để giữ vững thượng tôn pháp luật và trả lại quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Hiện nay, ngoài kiểm tra tại các tiệm vàng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với ban ngành tại địa phương theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội. Đây cũng là hoạt động kiểm tra đồng loạt và gắt gao nhất từ đầu năm đến nay sau công điện của Thủ tướng về kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng.

Được biết, nếu phát hiện có hành vi vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ (xâm phạm quyền nhãn hiệu, giả mạo nhãn hiệu), đại diện kinh doanh vàng bạc giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 250 triệu đồng đối với cá nhân, và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Đăng Khoa - Phú Quý
Bài viết cùng chủ đề: buôn bán hàng giả

Tin cùng chuyên mục

Chiến dịch 'làm sạch' thị trường sữa, dược phẩm tại Thanh Hóa

Thủ đoạn mới cất giấu ma túy qua tuyến hàng không

Hà Nội: Tạm giữ gần 11 tấn thịt và nội tạng bò đông lạnh

Kiện toàn bộ máy Chi cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ

Hà Nội tạm giữ hơn 18 tấn gà đông lạnh không rõ nguồn gốc

Kiện toàn Ban chỉ đạo 389 các cấp sau sáp nhập tỉnh

Cục trưởng Trần Hữu Linh nêu thủ đoạn mới của đối tượng sản xuất sữa, thuốc giả

Sáp nhập tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn: Hợp lực để bứt phá

Hải quan siết chặt quản lý nhập khẩu khí N2O

Cảnh báo về ma túy Fentanyl, Hải quan siết chặt kiểm tra

Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu qua tuyến hàng không

Quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường kiểm soát mặt hàng sữa

Từ mã QR đến lòng tin vào trái cây Việt Nam

Hàng giả ngập chợ Nhà Xanh, chủ hộ ‘né’ đăng ký kinh doanh

Tội phạm ma túy gia tăng, Hải quan lập 'hàng rào' kiểm soát

Kiểm tra mặt hàng sữa: Quản lý thị trường các địa phương nói gì?

Bất cập ngăn chặn sữa giả: Quản lý thị trường muốn xác định hàng giả phải có phản ánh

Vụ sữa giả: Không vùng cấm, không ngoại lệ trong kiểm tra, kiểm soát

Thành lập Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình

Quản lý, phát triển thị trường trong nước: Không còn hỗ trợ, phải dẫn dắt