Cần làm gì để đất đai trở thành nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế Chính sách thuế có tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản? |
Quy định tách thửa đất nhiều “bất cập”
Liên quan đến tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để phân lô bán nền tràn lan tại nhiều địa phương từ năm 2017 đến nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: Nhiều quy định liên quan đến tách thửa, đấu giá đất còn nhiều “bất cập”, chưa phù hợp với thực tế đã dẫn đến tình trạng phân lô bán nền, sốt đất tràn lan tại một số địa phương.
Những lô đất lớn trồng điều mặt tiền đường hướng từ xã Tân Lợi về xã An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước) bị máy xúc san lấp nhằm phân lô bán nền (Ảnh Quỳnh Danh). |
Chủ tịch HoREA dẫn chứng, Luật Đất đai 2013 chỉ cho phép “UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị” và đã không cho phép tách thửa đối với từng loại đất hoặc các loại đất nông nghiệp hoặc đất khác không phải là đất ở.
Tuy nhiên, các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013 lại cho phép UBND cấp tỉnh được quyền cho phép tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Diện tích tách thửa đối với đất nông nghiệp sau khi được tách ra không nhỏ hơn 500m2.
Cụ thể, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP tại thời điểm năm 2014 đã không có quy định “diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất”. Trong khi đó, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP cũng chỉ quy định “trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất”.
Mặt khác, Điều 75 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ quy định “trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất” để thi hành Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai 2013 cho phép tách thửa đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
Đến năm 2017, tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phép “tách thửa đối với từng loại đất”, bao gồm cả “đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở”. Do đó, từ năm 2017 đến nay đã dẫn đến tình trạng “đầu nậu”, “cò đất”, “doanh nghiệp bất lương” lợi dụng để tách thửa đất nông nghiệp, phân lô bán nền tràn lan, gây ra các cơn “sốt ảo” giá đất, tác động xấu đến thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Sau đó, khoản 23 Điều 1 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP bổ sung Điều 75a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP “Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa”. Theo đó, các địa phương cho phép tách thửa đối với “đất nông nghiệp” mà vẫn giữ được mục đích sử dụng đất là “đất nông nghiệp” thì không phá vỡ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước chưa thật chặt chẽ, chưa thật hiệu quả (nhất là ở cấp cơ sở) nên dẫn đến tình trạng bị lợi dụng để kinh doanh bất động sản trái phép, “hô biến” các lô “đất nông nghiệp” có diện tích 500m2 hoặc 1.000m2 “vừa vặn” với diện tích của một lô biệt thự, nhà vườn, dẫn đến tình trạng bị lợi dụng “phân lô, bán nền”, gấy sốt đất, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Cần sửa quy định tách thửa đất
Để giải quyết các “bất ổn” nêu trên, HoREA kiến nghị sửa đổi quy định dưới Luật về tách thửa đất ở. Trong đó, cần thiết sửa đổi một số quy định của các Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 về “tách thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa”. Đồng thời, đề nghị bổ sung vào “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” (Dự thảo Nghị định) do “Dự thảo Nghị định” chưa có quy định nội dung này.
Cụ thể, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 43d Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định diện tích tối thiểu được tách thửa: UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Trường hợp có phần diện tích đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ trong cùng thửa đất ở, hoặc thửa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nằm xen kẽ trong đất đô thị, hoặc điểm dân cư nông thôn thì xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất sang đất ở, đồng thời với việc tách thửa đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất”.
Đối với Điều 75a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa: UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất ở, điều kiện hợp thửa đất ở tại nông thôn, đô thị và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn hoặc đất ở tại đô thị”.
Để dập tắt các cơn sốt đất ảo, HoREA kiến nghị bổ sung “Dự thảo Nghị định” nội dung quy định: “Người sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở có nhu cầu tách thửa thì thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét phê duyệt phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nhà ở và thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất”.
Đồng thời bổ sung nội dung quy định: “Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất ở tại nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân đối với người đang thường trú tại xã đó. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trong xã không tham gia đấu giá thì được đấu giá quyền sử dụng đất cho người ngoài xã”.