Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP |
Thị trường được mở rộng
Theo phân tích của các chuyên gia, trong các nước tham gia TPP chỉ có Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước sản xuất chè. Nhưng Nhật Bản vẫn có nhu cầu nhập khẩu chè rất lớn để phục vụ nội địa và xuất khẩu sang nước thứ ba. Do vậy, chè Việt Nam sẽ có thị trường rộng mở. Khi TPP chưa có hiệu lực, thuế nhập khẩu chè của một số nước trong TPP như Nhật Bản 17%, Peru 9%, Hoa Kỳ 6,4%, Chile 6%, Mexico 2%, Brunei là 22 cent/kg… Sau khi có hiệu lực, các doanh nghiệp chè của Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với nhu cầu của người tiêu dùng chè tại tất cả các nước trong khối này, cũng như cơ hội mở kênh phân phối sản phẩm mà không bị bất cứ rào cản nào.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn này, các doanh nghiệp chè cần thiết lập được các kênh phân phối đến người tiêu dùng. Trước hết là thay đổi loại hình đóng gói, từ bao to sang bao nhỏ. Thực tế hiện nay chè nước ta xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô đóng bao to từ 30 - 60kg, dưới dạng nguyên liệu để các nhà nhập khẩu cung ứng cho nhà đóng gói. Sau đó, các nhà đóng gói tổ chức đóng gói hoặc đấu trộn với chè nhập khẩu từ các nước khác để đóng thành bao gói nhỏ (dưới 3kg) nhưng mang thương hiệu của họ phân phối trên thị trường nước sở tại hoặc xuất khẩu sang các nước thứ ba. Do đó, nếu bán chè ở dạng bao lớn, người tiêu dùng có thể uống chè Việt Nam, nhưng lại mang một thương hiệu có thể hoàn toàn không liên quan gì tới Việt Nam và chúng ta có thể chỉ bán với mức giá bình quân như lâu nay khoảng 1,8 – 2 đô-la Mỹ/kg. Chuyển sang gói nhỏ, có thương hiệu, có thể bán với giá 5 - 10 đô-la Mỹ/kg. Thậm chí nếu làm thương hiệu tốt, có thể bán tới 20 - 25 đô-la Mỹ/kg.
Xây dựng quan hệ sản xuất, chế biến
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, để mở đường cho ngành chè phát triển, khâu đột phá đó là xây dựng quan hệ sản xuất mới, xây dựng liên kết công – nông nghiệp chè trên từng địa bàn làm cơ sở để trong tương lai gần sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, phải tổ chức lại sản xuất, chế biến chè trên từng địa bàn theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Trong đó, mỗi cơ sở chế biến được chính quyền địa phương phân vùng, quy hoạch một hoặc một số vùng nguyên liệu cụ thể. Doanh nghiệp có trách nhiệm đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đảm nhiệm toàn bộ hệ thống cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tập trung cho cây chè toàn vùng và bao tiêu sản phẩm. Nông dân có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bán nguyên liệu cho doanh nghiệp. Đối với những vùng chè phân tán, doanh nghiệp không thể trực tiếp quản lý đến từng hộ, cần tổ chức các hợp tác xã trên nguyên tắc đảm đương tất cả các công việc mà từng xã viên cần nhưng không làm được, hoặc làm được nhưng hiệu quả thấp, lãng phí lao động xã hội. Cũng như các doanh nghiệp, các hợp tác xã cần chú trọng nhất là khâu bảo vệ thực vật tập trung để đảm bảo chè an toàn.
Thực tế hiện nay cho thấy, công đoạn sản xuất nguyên liệu (chè búp tươi) có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và an toàn thực phẩm cho sản phẩm. Hiện nay, ngoài số ít doanh nghiệp tự trồng hoặc liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị, còn lại đa phần là sản xuất tại các hộ gia đình nông dân và các hộ gia đình công nhân nhận khoán. Vì vậy, năng suất, chất lượng thấp, không đồng đều, giá thành cao, giá bán thấp. Về công nghiệp chế biến, rất nhiều doanh nghiệp thu mua chè nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, không kiểm soát được số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm đồng thời không chứng minh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đã đến lúc cần sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước để đổi mới quan hệ sản xuất, chế biến, tạo tiền đề cho ngành chè tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong tương lai gần.