Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.
Thưa ông, mấy ngày gần đây, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu thua lỗ vì mức chiết khấu 0 đồng và dọa đóng cửa hàng, ông nhìn nhận như thế nào về việc này? Thực sự họ có lỗ thật hay không?
Tôi có khẳng định họ lỗ thật và chiết khấu 0 đồng thì có, thậm chí có chiết khâu âm. Bởi chiết khấu 0 đồng là do các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối họ nhập về giá cao và bán giá thấp, họ lỗ và vì thế họ chiết khấu ở mức thấp nhất, thậm chí 0 đồng.
Người tiêu dùng đổ xăng tại cây xăng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội |
Phân tích kỹ hơn về vấn đề này. Thứ nhất, câu hỏi họ lỗ không? Họ lỗ trong mấy trường hợp. Một là giá xăng dầu mua theo kỳ hạn chứ ít khi mua ngay vì mua ngay thì thường giá đắt và không có kế hoạch về vận chuyển, vận tải, các chi phí khác… khiến việc mua ngay chi phí hoa hồng, môi giới và các chi phí vận chuyển rất cao dẫn đến giá rất cao.
Thông lệ quốc tế thường họ mua xăng dầu kỳ hạn, thường là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng. Rõ ràng việc định giá hôm nay nhưng phải 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng sau mới có xăng dầu thì hoàn toàn rủi ro. Như thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới cao ngất ngưởng. Các doanh nghiệp xăng dầu không ai dự báo được giá sẽ giảm để có thể mua được giá thấp, mà có mua giá thấp thì họ cũng không bán. Do đó, họ phải trả giá cao, nhưng 3 tháng sau xăng dầu mới về, khi đó, giá xăng dầu thế giới hạ thấp. Rõ ràng, doanh nghiệp đầu mối phải mua giá cao và bán giá thấp dẫn đến thua lỗ.
Ví dụ như ngay hôm 29/8 vừa qua, nếu giá xăng dầu đang bán ở Việt Nam so với giá xăng dầu bán buôn ở Singapore thì giá bán buôn ở Singapore đắt hơn giá xăng dầu ở Việt Nam 2.000 đồng/lít. Như vậy, rõ ràng, các doanh nghiệp kinh doanh phải đi mua với giá cao và bán với giá thấp. Nếu giá xuống thấp quá họ sẽ không bán và cầm hàng lại. Cầm hàng lại thì sợ nhà nước kiểm tra, và kiểm tra mà thấy có xăng dầu không bán thì đóng cửa, thu hồi giấy phép.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính |
Do đó, các DN tìm cách lẩn tránh. Theo quy định của nhà nước, các thương nhân đầu mối phải có phải có thời gian dự trữ kinh doanh nhất định đủ để bán trong 1 -2 tuần gì đó. Thông thường, các DN không dự trữ đủ vì họ không có kho. Và bây giờ, DN thấy giá bán trong nước đang thấp hơn giá quốc tế. DN giữ lại và đẩy xăng dầu này sang xăng dầu dự trữ. Nhà nước có kiểm tra cũng không tìm ra lỗi.
DN đầu mối họ lỗ, thậm chí lỗ nặng thì họ tìm cách đẩy rủi ro đó và yêu cầu các DN kinh doanh bán lẻ chịu cùng họ. Vì thế mới có việc chiết khấu 0 đồng và chiết khấu âm.
Thông thường, mức chiết khấu như hiện nay được tính đó là mức chiết khấu vận tải 250-300 đồng/lít; chiết khấu định mức kinh doanh từ 650- 700 đồng/lít. Như vậy, chiết khấu thông thường từ 900- 1.000 đồng/lít là hợp lý.
Nhưng nay, DN đại lý đang lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/lít, và đề nghị DN bán lẻ chiết khấu 0 đồng, anh mua thì mua không thì thôi. Đây là cái chúng ta nhìn thấy.
DN bán lẻ mua về chiết khấu 0 đồng và vẫn phải bán theo giá nhà nước quy định. Như vậy rõ ràng DN bán lẻ chịu lỗ dù cho DN có tiết giảm chi phí vận tải, tiết giảm chi phí kinh doanh định mức thì cũng lỗ từ 500 – 600 đồng/lít.
Đây là lý do, càng bán càng lỗ. Thậm chí, DN xăng dầu đầu mối lỗ quá, họ không bán nữa hoặc bán nhưng với điều kiện DN bán lẻ tự chịu vận chuyển. DN bán lẻ chịu chi phí vận tải này đồng nghĩa họ chịu chiết khấu âm.
Hiện có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu họ được hưởng thuế VAT nếu người mua xăng dầu không lấy hóa đơn. Thực tế này có đúng không thưa ông?
Không có chuyện này, bởi nhà nước họ đã tính, giá bán xăng dầu bao nhiêu thì trong phần đó đã có thuế VAT rồi. Họ tính tổng giá bán xăng ra và trong đó đã kèm cả thuế VAT. Nhà nước đã tính trừ. Nhà nước quy định giá bán và trong giá đấy đã có thuế VAT.
Tôi xin phân tích kỹ hơn về giá xăng dầu như sau. Giá nhập khẩu về biên giới cộng các chi phí hoa hồng, chi phí vận tải và các chi phí khác liên quan đến nhập khẩu vào cho xăng lên bờ ở Việt Nam. Nhà nước sẽ tính tổng vào thành giá nhập khẩu và khi đó đánh thuế xuất nhập khẩu. Thuế này không phải 10-20% như các chuyên gia nói đâu mà hiện nay thuế đối với nhập khẩu từ Hàn Quốc đang áp là 8% với xăng và dầu là 0%; hay đối với nhập khẩu từ Singapore từ năm 2022 chỉ còn 5% đối với xăng và 0% đối với dầu và đánh trên giá nhập khẩu.
Nhà nước tính các loại chi phí vận chuyển trong nước và đánh thuế thứ hai là thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế này đánh để buộc người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm xăng dầu vì đây là mặt hàng không khuyến khích sử dụng. 100% các nước trên thế giới đều đánh thuế này, kể cả Hoa Kỳ. Việc kiến nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt là không hiểu gì về luật thuế. Việt Nam hiện đánh mức thuế này 10% là thấp nhất trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức đánh thuế này đã chùm lên thuế xuất khẩu rồi.
Tiếp đến là thuế VAT, các chi phí vận chuyển, chi phí trong nước, lợi nhuận của các DN kinh doanh xăng dầu trong nước thì được tính vào, cộng với 2 thuế trên thì mới tính đánh chùm lên 2 thuế này. Thuế VAT 10%, cộng thêm thuế bảo vệ môi trường hiện vào khoảng 0,3- 0,4%. Cộng tổng hết tất cả mới ra giá xăng dầu mà nhà nước bán. Nhà nước đã tính thành giá thành rồi và thuế VAT đã nằm trong đó. DN có bán thì bán trong giá đó và không bán cao hơn được. DN không thể ăn được thuế VAT của nhà nước.
Nếu tính ngược lại, nếu bạn lấy tổng thuế 3 khâu trên chia ra cho tổng giá trị hiện nay của xăng dầu đang bán trên thị trường thì sẽ ra mức thuế trên giá xăng dầu cơ sở. Giá xăng dầu cơ sở hiện nay hiện khoảng 18,9- 19,1% với xăng.
Riêng về vấn đề thuế, phải theo trật tự chứ không phải cứ cộng lại 10% VAT, 20% thuế nhập khẩu, cùng các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… thì thành 40 - 50% như ý kiến của nhiều người.
Về VAT, không có chuyện DN bán lẻ ăn tiền này. Vì sao? Bởi việc này nhà nước đã tính luôn trong giá bán lẻ rồi. Họ biết chắc chắn nhưng người đi mua xăng dầu lẻ, xe máy chẳng ai lấy hóa đơn, trừ các xe ô tô (có xe lấy có xe không).
Nhà nước khống chế đầu ra (giá bán ra đã tính hết vào đấy), ví dụ, DN bán 30.000 đồng/lít xăng thì trong đó đã có thuế VAT mà DN phải nộp cho nhà nước, kể cả DN bán lẻ có đưa hóa đơn cho người bán hay không.
Ví dụ, bạn là DN bán lẻ xăng dầu, tức là bạn thu thuế VAT hộ nhà nước. DN bán lẻ chỉ mua của 1 đầu mối, đầu mối bảo năm nay tôi bán cho DN bán lẻ đấy 50 nghìn lít, với mức giá bán nhà nước quy định thì DN sẽ nộp thuế VAT cho nhà nước từng đấy. Kể cả có ghi hóa đơn cho người mua hay không.
Đây cũng là lý do nhà nước quy định về việc DN bán lẻ chỉ mua của 1 DN đầu mối và họ quản khối lượng bán ra, quản cả chất lượng. Từ đó kiểm soát DN có đầu cơ, kiềm giá xăng dầu hay không.
Một số ý kiến cho rằng cơ chế tính giá hiện nay của nhà nước đang có vấn đề và đang làm cho người kinh doanh đầu mối xăng dầu gặp khó?
Thứ nhất là chi phí logistics, chi phí vận tải từ nước ngoài về trong nước và các chi phí có liên quan (bốc dỡ, xếp dỡ xăng dầu) trước đây tính bình quân vào khoảng 1 USD/thùng khi về Việt Nam. Thời gian trước, cũng đã đứt gãy khâu vận chuyển, nhưng do tiêu dùng ít nên không đáng bao nhiêu. Nhưng 6-7 tháng nay, khi xung đột Nga – Ukraina, đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí vận tải, logistics tăng lên trên toàn cầu. Và hiện nay, chi phí vận chuyển từ Singapore về Việt Nam vào khoảng 2-3 USD cho 1 thùng dầu. Như vậy, chi phí của các DN đầu mối nhập khẩu tăng. Nhưng về định mức thì nhà nước vẫn tính chi phí 1 USD/thùng và như vậy rõ ràng DN đầu mối họ chịu thiệt và phải gánh chịu phần giá cao lên.
Thứ 2, Việt Nam đang tính tiêu chuẩn khí thải và phải đóng thuế theo mức tiêu chuẩn Euro 3, trong giá xăng dầu thông thường trước đây được trừ trước đây khoảng 1 USD/thùng. Nhưng khoảng gần 1 năm nay, chi phí cho khí thải trên thế giới họ tính theo mức tiêu chuẩn là Euro 5 với mức chi phí từ 7 – 8 USD/thùng dầu. Khiến việc này chi phí tăng lên rất nhiều, khoảng gần 1.000 đồng/lít. Rõ ràng, nếu chúng ta không tính lại cái này thì giá xăng dầu chúng ta tính thấp hơn so với bên đầu mối hơn 1.000 đồng và các doanh nghiệp đầu mối phải gồng. Đang có lỗ hổng trong việc tính giá xăng dầu. Các DN là người kinh doanh và đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, rõ ràng như vậy họ sẽ chết.
Xăng là một trong những thể lỏng, DN có thể pha lẫn cái này các khác vào và DN bán ăn lời cao nhất mà nhà nước không kiểm tra được. Để quản lý việc này, theo quy định của luật, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chỉ được ký hợp đồng mua với một đầu mối duy nhất và trên cơ sở này nhà nước mới kiểm tra ra chất lượng xăng.
Lấy ví dụ, DN chỉ mua 30.000 lít chẳng hạn, nhưng DN bán 50.000 lít nghĩa là DN có vấn đề. DN mua 30.000 lít nhưng chỉ bán 20.000 lít còn 10.000 lít để đâu, DN để trong kho để chờ tăng giá? Như vậy, nhà nước có thể kiểm tra và xử lý được. Chính điều này vừa có cái hay vừa có cái dở. Hay ở chỗ nhà nước vừa quản lý được chất lượng cũng như bán hay hay không bán xăng dầu của DN bán lẻ ra thị trường.
Tuy nhiên, DN bán lẻ lại chịu tác động của DN đầu mối cung cấp xăng dầu. Nếu DN đầu mối mua kỳ hạn ở mức giá rất cao và bán giá cao thì DN bán lẻ chịu thiệt, mà không mua thì không mua được của DN khác.
Thứ hai, như vừa rồi, Bộ Công Thương rút giấy phép của 7 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong khi quy định các DN bán lẻ chỉ được mua của 1 DN đầu mối duy nhất. Việc bị rút phép khiến DN không có dầu để bán thì DN bán lẻ đóng cửa. Đây cũng là lý do mà tổng nguồn cung không thiếu nếu tính tổng thể về kế hoạch nhập khẩu cũng như sản lượng, nhưng thiếu cục bộ ở một số thời điểm, vùng miền, một số địa bàn thời gian vừa qua.
Có ý kiến cho rằng, các DN bán lẻ ký hợp đồng với các đại lý và ăn phần trăm lãi? Rồi một số doanh nghiệp bán lẻ đề xuất cho họ mua hàng từ nhiều đầu mối khác nhau, ý kiến của ông về vấn đề này?
Nhà nước bây giờ kiểm soát giá đầu vào, giá đầu ra nên nói DN bán lẻ ăn lãi, còn toàn bộ rủi ro DN đầu mối chịu thì không không bao giờ xảy ra.
Ngay cả khi chúng ta có một thị trường xăng dầu thực thụ, đúng theo nghĩa thị trường thật thì DN bán lẻ và DN đầu mối vẫn phải đàm phán với nhau để có được mức giá hợp lý. Nếu DN đầu mối không chịu thì DN bán lẻ đi đàm phán với DN đầu mối khác. Tuy nhiên, quy định nhà nước chỉ cho phép đàm phán với 1 DN đầu mối.
Việc kiến nghị DN bán lẻ có thể mua hàng từ nhiều các DN đầu mối khác nhau. Theo tôi, việc này là không thể. Bởi DN bán lẻ không có đủ các bể chứa, việc mua xăng của nhiều DN đầu mối rồi đổ chung vào một bể chứa thì liệu chất lượng xăng dầu có đảm bảo không, nguồn gốc xuất xứ có truy cập được không và chất lượng, mức mua, mức bán cơ quan quản lý nhà nước có quản lý được không?
Câu trả lời là không. Trong khi đó, hiện cơ quan quản lý nhà nước đang quản lý toàn diện xăng dầu và coi đó là mặt hàng chiến lược không thể thiếu được của nền sản xuất. Nhà nước điều chỉnh cả giá, lượng bán…
Khi có 1 thị trường xăng dầu thực thụ, có được sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng, người muốn nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về cũng tự do, DN muốn thành lập DN bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tự do kể cả FDI. Khi đó, nhà nước không cần quản lý đầu vào đầu ra, định giá, nghĩa là giá cả theo cơ chế thị trường. Khi đó, không cần lợi nhuận định mức, không cần chi phí kinh doanh định mức, không cần quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, cần phải xây dựng được một thị trường kinh doanh xăng dầu thực thụ. Việc này không dễ chút nào.
Hiện, một số DN đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, ông đánh giá gì về điều này?
Việc này cũng có lợi cho DN theo hướng DN đi theo thị trường nhiều hơn, đồng thời lợi cho nhà nước, nhà nước yên tâm hơn trong điều chỉnh. Nhưng với điều kiện không có sự biến động quá lớn.
Ông đánh giá như thế nào về những chỉ đạo vừa qua của Bộ Công Thương?
Những phản ứng của Bộ Công Thương cũng phản ánh một điều Bộ đã có những lo lắng, theo dõi và mong muốn nắm bắt tình hình và từ đó có thể điều tiết được thị trường xăng dầu.
Tuy nhiên, thực tế, Bộ Công Thương vẫn chưa lường trước được những biến động trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam.
Như Bộ Công Thương nhận định, xăng dầu không thiếu. Điều này đúng nếu cân đối về sản lượng tiêu thụ và sản lượng nhập. Nhưng nó thiếu cục bộ theo thời điểm, theo địa bàn. Do đó, Bộ cũng cần ghi nhận, nắm bắt các phản hồi từ DN cũng như thực tiễn của thị trường để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, trước sau chúng ta cũng phải xây dựng một thị trường xăng dầu cạnh tranh công bằng, bình đẳng, tự do. Bộ cần có chiến lược để từ đó xây dựng một thị trường xăng dầu mang tính thị trường thực thụ. Khi đó, các doanh nghiệp làm ăn với nhau lời ăn lỗ chịu, đàm phán mua bán theo hợp đồng.
Thực tế, muốn có thị trường xăng dầu cạnh tranh, nhà nước phải có một công cụ để điều tiết. Nhiều chuyên gia, DN kinh doanh xăng dầu đề xuất bỏ quỹ bình ổn đi, ngay Bộ Tài chính cũng đề nghị bỏ. Quan điểm của tôi thì ngược lại. Hiện nhà nước vẫn coi xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nắm giá đầu ra, đầu vào. Vậy nhà nước điều chỉnh bằng gì ngoài mệnh lệnh hành chính. Vậy, DN có công cụ gì để điều chỉnh giá xăng dầu, “giảm xóc” cho thị trường không? Không. Do đó, vẫn cần Quỹ. Trừ khi có 1 thị trường xăng dầu thực thụ và giá cả lên xuống theo thị trường thì khi đó mới không cần Quỹ.
Khi đó, DN được tự do kinh doanh theo quy định của luật pháp còn nhà nước muốn can thiệp cũng bằng công cụ thị trường. Theo đó, nếu nhà nước muốn hạ giá xăng dầu thì nhà nước có kho dự trữ thật lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,… muốn hạ giá thì tung ra bán, hay tăng giá thì mua xăng dầu vào.
Việc này không dễ bởi cần vừa tính toán địa điểm thuận lợi nhưng phải đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống cháy nổ, phòng chiến tranh và phải có lượng can thiệp đủ lớn. Khi đó, nhà nước có phải có mấy chục, mấy trăm tỷ USD.
Việc này chắc còn khá xa, do đó, đề xuất bỏ Quỹ bình ổn tôi cho rằng trong 5- 7 năm tới chưa bỏ được vì nhà nước vẫn cần công cụ để điều tiết thị trường.
Vậy theo ông đâu là giải pháp trước mắt?
Thứ nhất, Nhà nước cần cân đối lại lượng cung, lượng cầu, làm sao để các đầu mối nhập khẩu xăng dầu bình ổn.
Nhiều DN bán lẻ mong muốn có thể tìm được nhiều đầu mối nhưng thực sự như vậy thì rất khó quản lý. Vai trò quản lý nhà nước với việc quản lý chất lượng cũng như khối lượng mua bán của các chủ thể rất khó. Do đó, cần phải xem để cân đối, tránh những cú sốc như vừa rồi như thu hồi giấy phép của 1 số DN đầu mối.
Thứ hai, cần xem xét tính lại các giá trên cơ sở hình thành lên giá xăng dầu cơ sở 1 cách chính xác, không để DN đầu mối chịu thiệt.
Thứ ba, kiểm tra giám sát các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu một cách thường xuyên liên tục chứ không phải khi khó, khi thiếu, khi DN kêu thì mới đi kiểm tra. Từ đó vừa đảm bảo giá bán, chất lượng hàng hóa,…
Về dài hạn, làm sao để xây dựng và phát triển một thị trường xăng dầu thực thụ, theo đúng kinh tế thị trường.