Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề mà cử tri trên địa bàn thắc mắc, thậm chí là bức xúc liên quan đến ngành điện như điện lực thay đồng hồ định kỳ sản lượng tăng; giá điện ngày càng tăng nên tiền điện tăng cao, còn nhiều vùng lõm, vùng sâu điện giá cao nhưng không an toàn khi phải dùng điện cầu phụ (chia hơi), kỹ thuật lắp đặt, giá điện mặt trời, độ chính xác của công tơ điện tử, đầu tư về điện cho vùng nông thôn...
Ông Ngô Hồng Chiều - Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - cho biết, từ đầu năm đến nay, vấn đề giá điện đang được cử tri trên địa bàn tỉnh quan tâm đặc biệt, chẳng hạn giá điện bậc thang, điện ngày càng tăng giá... Vấn đề này đều có nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, người dân chưa nắm được những thông tin đầy đủ, vì vậy ngành điện phải có trách nhiệm tiếp cận, gần gũi với khách hàng của mình để giải thích cặn kẽ.
Về đầu tư các công trình điện, nhất là cho những khu vực đang cấp bách về điện ở vùng xa, địa bàn còn tồn tại nhiều hộ sử dụng điện chia hơi, ông Chiều yêu cầu những khúc mắc trong vấn đề giải ngân, cấp vốn ngân sách ngành điện cần sớm tháo gỡ nhằm đẩy nhanh công trình để phục vụ người dân.
Điện cho vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Tháp đang cần được đầu tư sớm để giải tỏa những khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt của nhiều hộ dân sinh sống tại đây |
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Văn Hòa - Phó Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, điện là nhu cầu không thể thiếu và bức thiết của người dân, vì thế bức xúc của cử tri đối với những trường hợp bất thường xảy ra là rất dễ hiểu. Ông Hòa nêu, giá điện hiện nay được tính là 6 bậc nhưng nhiều cử tri phản ánh chỉ nên thực hiện ở 4 bậc. Rất nhiều hộ dân nghèo ở vùng xa hiện nay chỉ dùng dăm bảy chục kWh điện/tháng, mặc dù diện hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ miễn tiền điện 50 kWh/tháng, vì thế chỉ nên áp dụng bậc thang thứ nhất, tính từ 1-100 kWh để hỗ trợ thêm cho người dân nghèo, sau bậc thang thứ nhất tính giá dịch vụ, ai dùng thêm thì trả tiền.
Theo ông Hoà, mặc dù người dân Đồng Tháp hầu hết đã có điện dùng, nhưng không ít hộ đang phải câu nối điện từ các hộ có công tơ, việc câu móc (chia hơi) điện không chỉ làm tăng tổn thất điện năng mà còn thiếu an toàn, thậm chí người dùng còn phải trả giá cao. Hiện tại Nhà nước có nguồn ngân sách để đầu tư lưới điện cho vùng lõm, vùng sâu, trong đó có Đồng Tháp. Ông Hòa yêu cầu PC Đồng Tháp sớm thực thi những dự án kéo điện lưới quốc gia để phục vụ người dân để không còn tình trạng chia hơi điện kéo dài.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Bí Thư tỉnh Đồng Tháp - ông Lê Minh Hoan - đánh giá cao những kết quả và sự nỗ lực của PC Đồng Tháp trong những năm qua nhưng ông đặt niền tin vào cán bộ công nhân viên ngành điện lực của tỉnh trong việc thay đổi, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, thái độ phục vụ khách, tháo gỡ những rào cản trong việc đầu tư cơ bản, quản lý và vận hành...
Ông Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số và sự thay đổi diễn ra rất nhanh song nhiều chính sách và cách làm của chúng ta chưa bắt kịp, thậm chí đã lỗi thời với sự phát triển của xã hội, trong đó có ngành điện. Để đáp ứng tốt về điện cho nhu cầu của nền kinh tế và an sinh xã hội, ông Hoan yêu cầu ngành điện đừng ngại đổi mới, nhất là công nghệ thông tin. Mặc dù những cái mới rất dễ bị thói quen cũ của dân chúng phản ứng nhưng không thực hiện với tinh thần xả thân thì không bao giờ tiến lên được, điều quan trọng là cùng với người dân hợp tác, chia sẻ những vướng mắc để khơi thông công việc.