“Vua” lương thực miền Nam hé lộ kế hoạch chuyển lỗ thành lãi Vinafood 2: Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để sớm thoát lỗ |
Năm 2018 Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên sau cổ phần hóa doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ và phải đến năm 2022 - “ông lớn” xuất khẩu gạo mới lấy lại “phong độ”, lần đầu tiên có lãi sau cổ phần hóa.
Thông tin tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức chiều 9/4, ông Bạch Ngọc Văn - Phó tổng giám đốc Vinafood 2 - cho biết: Năm 2022, Tổng công ty đã bán ra hơn 1,2 triệu tấn gạo, đạt 128% kế hoạch năm; tổng doanh thu hơn 17,7 nghìn tỷ đồng, đạt 112,73% kế hoạch (trong đó doanh thu của công ty mẹ là hơn 10 nghìn tỷ đồng, đạt 120,45% kế hoạch); lợi nhuận trên 91 tỷ đồng, đạt 104,11% kế hoạch.
“Như vậy năm 2022 Tổng công ty đã hoàn thành tốt kế hoạch do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 giao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao so với kế hoạch. Hệ số bảo toàn vốn năm 2022 bằng, cũng là năm đầu tiên Tổng công ty có lãi và bảo toàn vốn sau khi cổ phần hóa”- ông Văn nói.
Kết quả đạt được của Vinafood 2 trong năm vừa qua xuất phát từ việc chủ trương chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong đó, về chủ trương, ông Bạch Ngọc Văn cho biết: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương đã hỗ trợ Vinafood 2 kiện toàn nhân sự kịp thời; chọn đúng người, đúng thời điểm để giữ vai trò thủ lĩnh tại Tổng công ty. Về chiến lược kinh doanh, Vinafood 2 đã sử dụng con đường mới là tập trung kinh doanh, tập trung đầu tư, tập trung nguồn lực… thay vì phân tán như trước đây. Song song đó có sự ủng hộ của các Ngân hàng thương mại, có hệ thống khách hàng truyền thống quay lại và đặc biệt là Vinafood 2 đã nâng cao năng lực cạnh tranh khi đi vào các thị trường tư nhân. Từ đó giúp Vinafood 2 có lãi sau nhiều năm thua lỗ.
Vinafood 2 đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và thông qua các kế hoạch kinh doanh năm 2023. |
Chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm 2023, ông Văn cho biết, Hội đồng quản trị đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 trình Đại hội đồng cổ đông, trong đó công ty mẹ đề ra kế hoạch tổng doanh thu 8.700,450 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế 2,5 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 163,3 triệu USD. Doanh thu kế hoạch hợp nhất toàn Tổng công ty là 15.325 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100,58 tỷ đồng.
Để đạt kế hoạch đề ra, Vinafood 2 sẽ tiếp tục thực hiện mô hình quản trị tập trung đã mang lại hiệu quả trong năm 2022. Trong đó, tổ chức sắp xếp, điều chuyển máy móc, thiết bị và khai thác triệt để lợi thế về cơ sở hạ tầng, thương hiệu và kinh nghiệm trong kinh doanh lúa gạo để phát huy nguồn lực toàn Tổng công ty mang lại hiệu quả.
Vinafood 2 cũng sắp xếp lại tổ chức bộ máy; kiện toàn nhân sự lãnh đạo quản lý và người đại diện tham gia quản lý điều hành tại các công ty có vốn góp của Tổng công ty; bố trí, sử dụng lao động phù hợp, đặc biệt nhân sự kinh doanh xuất nhập khẩu có khả năng phát triển thị trường và phát triển hệ thống nhà cung ứng.
Bên cạnh đó, duy trì quan hệ với các khách hàng truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng quan hệ khách hàng, thực hiện chính sách bán hàng linh hoạt để phát triển thị trường mới, khách hàng mới. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất các sản phẩm sau gạo (bún, phở, bánh tráng, bột...) cùng với ứng dụng công nghệ sạch, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường châu Âu. Đặc biệt là hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo gắn với việc ứng dụng công truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng tại các vùng lúa nguyên liệu nghệ số tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Liên quan đến vấn đề tài chính, Vinafood 2 tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ tín dụng với các ngân hàng để tăng hạn mức tín dụng, đảm bảo nhu cầu nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng vòng quay vốn để tăng hiệu quả sử dụng vốn và chủ động, linh hoạt sử dụng vốn trong điều kiện ngân hàng thắt chặt tín dụng. Đẩy nhanh việc thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được để thu hồi vốn, thoái vốn các khoản đầu tư theo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp được phê duyệt để tập trung nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả.
Trước đó, vào ngày 1/3, tại Hà Nội, đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có cuộc họp về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và đề án cơ cấu lại Vinafood 2. Tại cuộc họp này, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá nhóm đại diện vốn nhà nước và Hội đồng quản trị của Vinafood 2 đã thực hiện kịp thời những giải pháp linh hoạt, đột phá để cải thiện tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt quyết liệt trong kiện toàn nhân sự; chủ động trong rà soát, phân loại tài sản; sắp xếp bộ máy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn; tăng cường thu hồi công nợ khó đòi... Đối với phương hướng năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng công ty tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban trong thời gian qua về tăng cường công tác quản lý vốn, tài sản đầu tư tại doanh nghiệp. |