Thưa ông, năm 2021 đi qua với nhiều biến động bởi dịch bệnh, có thời điểm các cơ sở sản xuất phải đóng cửa hoặc co hẹp quy mô sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, từ góc độ nghiên cứu ông đánh giá như thế nào về kinh tế năm 2021?
Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ đã tác động rất lớn đến nền kinh tế, đặc biệt là các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… chúng ta không chỉ thiệt hại về kinh tế mà cả con người.
Việc giãn cách phòng, chống dịch được thực hiện rốt ráo trong thời gian dài làm cho nền kinh tế xuống dốc. Mức tăng GDP cả năm chỉ khoảng 2,5-3%. Tuy nhiên, điểm sáng của kinh tế đầu tiên phải kể đến xuất, nhập khẩu, khi lần đầu tiên chúng ta cán mốc trên 650 tỷ USD, tăng trưởng trên 20%, trong đó tăng trưởng xuất khẩu (XK) đạt khoảng 18%, tăng trưởng nhập khẩu khoảng hơn 27%.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- chuyên gia kinh tế |
Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vốn đầu tư trong nước tăng, kinh tế tư nhân, đầu tư nhà nước tăng mạnh. Trong khi vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 25 tỷ USD, xấp xỉ con số năm ngoái, con số giải ngân cũng tương đương. Điều này cho thấy môi trường đầu tư nước ta được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Đặc biệt, hết tháng 11/2021, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động cũng tăng lên đáng kể khoảng 160.000 DN, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường khoảng 100.000 DN.
Nguồn thu ngân sách nhà nước tương đối tốt, đến hết tháng 11 đã vượt mức dự toán và tăng trưởng 8,9% so với năm ngoái. Về chi ngân sách, năm nay tiết kiệm được chi thường xuyên rất lớn, đặc biệt chi cho hội nghị, hội thảo… từ đó tăng cường chi cho phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ phát triển sản xuất….
Bội chi ngân sách năm nay khoảng trên dưới 4%, bội thu năm nay có thể khoảng 3,9%, nằm trong giới hạn Quốc hội và Chính phủ cho phép. Lạm phát chắc dưới 2% cũng rất thấp trong thời gian gần đây. Đồng Việt Nam năm nay có thể lên giá 2% so với đô la Mỹ, như vậy, nếu so với các đồng tiền trong khu vực là ngược chiều. Tuy nhiên, theo phương diện kinh tế vĩ mô thì điều này tốt. Dự trữ ngoại hối tăng lên khoảng 110 tỷ USD, đây là con số rất cao. Từ đó làm cho cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế tương đối ổn định và cũng là tiền đề để phát triển trong năm 2022.
Vậy theo ông, những điểm gì còn tồn tại của năm 2021 cần phải rút kinh nghiệm cho năm 2022?
2021 là năm đầu nhiệm kỳ cả nước thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, do đó, việc kiện toàn bộ máy tổ chức cũng như sự quan tâm của cơ quan quản lý vào các hoạt động kinh tế - xã hội chưa đi vào nề nếp, thiếu thống nhất. Từ đó, làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm đi. Câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công là một ví dụ. Năm 2020, khi khóa sổ, giải ngân đầu tư công đạt 98%, nhưng năm 2021 dự kiến mức giải ngân đầu tư công chỉ đạt 80%.
Điều hành giá xăng dầu sát diễn biến thế giới |
Chính việc tổ chức chưa thống nhất khiến mỗi địa phương có một cách tổ chức chống dịch Covid-19 khác nhau, có địa phương yêu cầu phải cách ly 14 ngày, có địa phương đòi hỏi cách ly 21 ngày; hay việc kiểm tra, giám sát qua địa bàn quá ngặt nghèo đã tác động rất lớn đến chuỗi cưng ứng hàng hóa.
Ngay cả sau khi có Nghị quyết số 128-NQ/CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều địa phương vẫn giữ việc chống dịch của riêng mình, thiếu sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thiếu những quy định cụ thể,… làm cho hoạt động sản xuất của DN càng trở lên khó khăn, khiến chi phí tăng cao, DN khó phục hồi.
Về các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Theo ông, những đối tượng nào cần được tập trung hỗ trợ?
Theo tôi không cần xây dựng gói hỗ trợ nữa bởi nếu như chúng ta mở cửa, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động thì các DN đã phục hồi gần như 100% năng lực.
Chúng ta chỉ cần tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ hiện có, như thế là các DN có thể bứt phá trong năm 2022 này. Phải dựa vào tình hình các DN hồi phục như thế nào để hỗ trợ thì mới hợp lý.
Để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa phải tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế… để phòng và điều trị Covid-19. Mặt khác, để giúp DN yên tâm ổn định sản xuất, kinh doanh thì việc ổn định kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Trong đó, phải bảo đảm được tỷ lệ lạm phát trong giới hạn thấp nhất, vay nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cũng phải nằm trong giới hạn chấp nhận được. Ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu.
Vậy có thể có một dự báo lạc quan cho triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 không, thưa ông?
Trong năm 2022, với đà các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tích cực đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, DN trong nước tiếp tục thành lập mới và khối DN quay trở lại tăng lên; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nếu như vẫn đạt được như năm 2021 và có thể mở rộng hơn, tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội từ các FTAs cùng với sự tháo gỡ khó khăn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Chính phủ thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng và phát triển một cách tốt nhất. Tôi dự báo rằng trong năm 2022, nền kinh tế của chúng ta có thể tăng trưởng ở mức 7-7,5%, nếu như không có những gì quá đột biến.
Hiện, nhiều người lo lắng về rủi ro "lạm phát nhập khẩu" gia tăng khi giá nguyên vật liệu đầu vào từ xăng dầu, sắt thép cho đến các hàng hóa đều tăng lên. Tuy nhiên, sự tăng giá này bắt đầu từ đầu năm 2021 và đã được chuyển hóa vào trong nền sản xuất thì năm 2022 sẽ không tăng nhiều như thế nữa. Năm 2021, lạm phát rơi vào khoảng 2%, con số này không quá lớn.
Nhiều người lo lắng việc giá dầu sẽ tác động rất lớn đến lạm phát. Tuy nhiên, theo tôi, giá dầu tác động khoảng 3,45% đến sản xuất hàng hóa, con số này cũng không phải quá lớn. Nhưng vấn đề quan trọng là giá dầu không thể nào tăng quá mức hiện nay. Bởi thực tế, các DN, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ cũng cố gắng kiềm chế lạm phát, giá dầu khoảng 80-85 USD/thùng thì họ đã có lãi. Nếu giá dầu tăng quá cao sẽ tác động xấu đến nền sản xuất, việc này sẽ tác động ngược lại khiến tiêu dùng dầu sẽ ít đi. Mặt khác, nếu như dầu tăng cao quá thì nó càng thúc đẩy các quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo và các năng lượng thay thế khác, như vậy sẽ không quá lo về "lạm phát nhập khẩu".
Tại thị trường trong nước, Chính phủ cũng sẽ có biện pháp để kiềm chế lạm phát. Theo tôi lạm phát năm 2022 tối đa cũng chỉ 3,7 đến 3,8%.
Xin cảm ơn ông!