Những tác động xấu
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 10 tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Tạ Thị Thu Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - thông tin, CPI tháng 10 tăng 0,59% so với tháng trước - mức cao nhất của chỉ số CPI tháng 10 trong 3 năm gần đây. Tính chung 10 tháng, CPI tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Cần bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu người dân |
Trong giỏ hàng hóa, có đến 10/11 nhóm tăng giá. Đáng chú ý, ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khiến 327.000 tấn thịt lợn bị tiêu hủy. Tổng đàn lợn hiện đã giảm 20% so với cùng kỳ khiến giá tăng 7,8%. Việc giảm nguồn cung và giá lợn tăng cao không chỉ tác động làm tăng CPI mà còn gây ra lo ngại thiếu hụt nguồn cung và “sốt” giá những tháng cuối năm, khi thịt lợn là một trong những loại thực phẩm chính của người dân.
Đồng ý kiến, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, nhu cầu thịt lợn tăng cao sẽ đẩy giá tăng vào dịp cuối năm. Trong kịch bản dự báo, giá thịt lợn 3 tháng cuối năm sẽ tăng khoảng 10% nhưng tính đến hiện tại, giá mặt hàng này đã tăng 7,85% so với cùng kỳ. Dự báo, từ nay đến cuối năm, chắc chắn giá thịt lợn sẽ tăng vượt kịch bản đưa ra.
Cùng với thịt lợn, xăng dầu cũng là một trong những mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào cuối năm. Việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng bảo dưỡng vào những tháng cuối năm cũng gây nên những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.
“Nhìn chung, với biến động như hiện nay, CPI cả năm 2019 có thể đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng không quá 4% so với năm 2018). Tuy nhiên, hiện tại, điều quan trọng phải có giải pháp ổn định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, xăng dầu. Đặc biệt, năm nay, Tết Dương lịch và Nguyên đán gần nhau, dự báo nhu cầu các mặt hàng này sẽ tăng cao” - bà Tạ Thị Thu Việt nhấn mạnh.
Chuẩn bị tốt nguồn cung
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dự kiến, CPI những tháng tới sẽ bị tác động tăng bởi nhu cầu tiêu dùng tăng ở các mặt hàng như: Lương thực - thực phẩm, may mặc, giày dép, mũ nón, dịch vụ giao thông công cộng… Giá thịt lợn cũng dự báo tăng khoảng 10 - 15% so với hiện tại làm CPI tăng 0,5 - 0,7%...
Nhằm chuẩn bị tốt nguồn hàng cho dịp cuối năm, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã qua thời đỉnh điểm. Đến tháng 10/2019, đã có 44% số xã qua 30 ngày chưa tái dịch trở lại. Một số tỉnh đã công bố cơ bản hết dịch. Người dân đã biết áp dụng các giải pháp sinh học để bảo đảm không bị tái dịch. “Hiện, tổng đàn lợn cả nước còn 25 triệu con. Đáng chú ý, đàn giống để nhân giống phục vụ tái đàn dồi dào. Nếu kiểm soát tốt, nhân giống tái đàn tốt, sẽ đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước” - đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như thịt bò, trứng, thịt gà đều tăng, dự báo bù đắp một phần nguồn cung lương thực - thực phẩm.Với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - cho biết, đến hết tháng 11, thương nhân xăng dầu phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để bù lượng thiếu hụt 1 triệu m3 xăng dầu trong nước do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dừng bảo dưỡng. “Với trách nhiệm của một thương nhân chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường xăng dầu, Petrolimex sẽ quán triệt việc tổ chức tốt nguồn cung. Đồng thời, có ý kiến với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để hiệp hội có ý kiến với các thương nhân đầu mối khác nhằm ổn định nguồn cung xăng dầu cuối năm” - ông Trần Ngọc Năm nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước: Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, doanh nghiệp cần vào cuộc để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho nhu cầu người dân, cũng như thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Nếu không có phương án cẩn thận, nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng không chỉ trước Tết mà còn sau Tết. |