Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất siêu 4 tỷ USD trong nửa đầu năm |
Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 121,21 tỷ USD, giảm1,1% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.
Trong 6 tháng đầu năm Việt Nam có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều nhập khẩu khẩu, trong 6 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng có 22 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ giá thương mại hàng hóa bình quân 6 tháng đầu năm 2020 giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2019 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.
Dù có một số chỉ số tích cực, song hoạt động ngoại thương của Việt Nam nhìn chung vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN...
Liên quan tới vấn đề xuất khẩu hàng hóa từ đầu năm đến nay, theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho biết thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Thời gian tới, Bộ Công Thương dự báo, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.
Trong quý II, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát ở một số quốc gia, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, khi đã suy giảm trong những tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật tăng lên trong những tháng tới. Tuy không ở mức quá cao, song ít nhiều cũng bù đắp phần nào mức giảm những tháng vừa qua, tiệm cận dần mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã đề ra từ đầu năm.