Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi sang Mỹ tăng mạnh "Nóng" giá thức ăn chăn nuôi |
Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng liên tục
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Nửa đầu năm 2022, Việt Nam chi 3,7 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi |
Trong đó, ngô 3,7 triệu tấn (giảm khoảng 52,3% về số lượng và 14,71% về giá trị); khô dầu các loại 2,2 triệu tấn (giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị); bã rượu khô (DDGS) 0,43 triệu tấn (giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị); lúa mì 0,73 triệu tấn (giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị).
Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng giá từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân do giá nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới; dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Cùng với đó, một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng, đẩy giá nông sản lên cao. Hoa Kỳ là một trong những nước có sản lượng ngô lớn đã tăng sản xuất cồn sinh học (ethanol) từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu. Đặc biệt giá xăng dầu tăng trong tháng 2/2022 vừa qua cũng đẩy giá ngô tăng cao.
Một số nước sản xuất ngô, đậu tương lớn ở khu vực Nam Mỹ (Argentina, Brazil) có sản lượng ngô và đỗ tương giảm do tình hình hạn hán. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng ngô của Argentina niên vụ 2021/2022 dự kiến giảm còn dưới 48 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 54 triệu tấn), Brazil dưới 110 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 114 triệu tấn).
Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng khiến giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021. Nguồn Cục Chăn nuôi |
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo xu hướng giảm nhẹ; hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đg/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đ/kg (giảm 0,4%); bã rượu khô (DDGS) 10.500 đ/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đ/kg (giảm 0,3%).
Tuy nhiên, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh vẫn theo xu hướng tăng. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó. Hiện tại, giá thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 13.000 đg/kg; thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt 13.350 đg/kg và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13.800 đg/kg.
Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể giảm nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. “Theo tình hình thực tế và dự báo từ các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho Việt Nam, từ giờ đến cuối năm giá thức ăn chăn nuôi sẽ duy trì ở mức độ này, không có biến động lớn”, ông Tống Xuân Chinh nhận định.
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho 6 tháng cuối năm
Thực tế, giá nguyên liệu sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng cao đẩy giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục điều chỉnh tăng và việc này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không tăng.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài dưới giá thành, đặc biệt ở khu vực nông hộ, hiện nay giá bán các sản phẩm chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Hiện, giá lợn hơi bán ra có nơi đã đạt 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhu cầu từ các bếp ăn, căn tin, nhà hàng, khách sạn hồi phục.
Việc giá bán sản phẩm chăn nuôi tăng là tín hiệu mừng cho bà con nông dân, tuy nhiên, cần có cái nhìn tổng thể hơn, cân nhắc thêm nhiều yếu tố khác như nguyên, nhiên liệu đầu vào khác để duy trì được chỉ số CPI dưới 4%.
Liên quan vấn đề nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào những tháng cuối năm, ông Tống Xuân Chinh cho biết, với nguồn cung và tình hình phát triển đàn hiện tại thì hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để đáp ứng mục tiêu đó, vấn đề đảm bảo an toàn sinh học để tăng đàn với lợn và gia cầm, bên cạnh đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như đối phó với nguy cơ dịch bệnh.
Đối với vấn đề giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian vừa qua, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với các đơn vị khác trong Bộ cũng như các đối tác quốc tế để đưa ra giải pháp chủ động nguồn thức ăn. "Muốn giải quyết được các vấn đề này cần có những giải pháp cụ thể, chi tiết", Thứ trưởng nhấn mạnh đồng thời lưu ý việc quản lý, kiểm soát chất lượng các loại thức ăn chăn nuôi trên thị trường.