Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 650 triệu USD, tăng 14,5%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 727 triệu USD, tăng 51,5%.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 12,8 ngàn con lợn giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 10 triệu USD; trên 2,2 triệu con gia cầm giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 12,2 triệu USD.
Đối với thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 10,8 triệu tấn, tương ứng với 3,84 tỷ USD, tăng 32,7% về số lượng và 50,3 % về giá trị so với cùng kỳ 2020. Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 6,8 triệu tấn, tương ứng 1,68 tỷ USD, tăng 75,6% về số lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ 2020; thức ăn giàu đạm đạt 3,73 triệu tấn, tương ứng với 1,65 tỷ USD, giảm 6,3% về số lượng và tăng 23,7% về giá trị; thức ăn bổ sung đạt 0,31 triệu tấn, tương ứng 0,49 tỷ USD, giảm 1,5% về số lượng và tăng 17,8% về giá trị.
Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 196,8 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 60 triệu USD, tăng 35,2; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 54,6 triệu USD, tăng 30,8%.
Ông Dương Tất Thắng - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi - nhận định, 6 tháng cuối năm 2021, dịch bệnh còn xảy ra ở một số địa phương và đã được khống chế tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, vấn đề toàn cầu hóa về thị trường, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó khu vực CPTTP và EVFTA đều là những nước có không gian chăn nuôi lớn hơn Việt Nam, sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam.
Năm 2021, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Cục sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tái đàn, tăng đàn đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc;... Tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông - lâm - nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, để triển khai các mục tiêu của ngành chăn nuôi trong năm 2021, Cục Chăn nuôi cần bám sát vào các chỉ tiêu cụ thể để từ đó đề ra các kế hoạch triển khai rõ ràng. Theo đó, đề nghị Cục Chăn nuôi cần nắm chắc diễn biến giá của từng loại sản phẩm chăn nuôi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để từ đó có sự chỉ đạo điều hành chính xác và đưa ra các giải pháp giải quyết được tình hình. Đồng thời, phân tích, dự báo được tình hình diễn biến giá cả để có những giải pháp kịp thời, mang lại hiệu quả cho sản xuất của ngành chăn nuôi. Đồng thời, nhấn mạnh đến vai trò của phòng chống dịch bệnh và an toàn sinh học đóng vai trò quyết định trong chăn nuôi, do vậy, Cục cần tập trung để thực hiện tốt công tác này. Bởi thực tế, thời gian khi cao điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành chăn nuôi.