![]() |
Giá thịt lợn trên thị trường liên tục giảm sâu |
Giá thịt lợn giảm sâu
Giá thịt lợn giảm sâu là một trong những diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường trong nước trong tháng 4. Theo đó, tính đến ngày 28/4, giá thịt lợn tại các trang trại chỉ vào khoảng 15.000-20.000 đồng/kg, giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong tháng 4, thời tiết, dịch bệnh không có diễn biến bất thường, thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong đó có nuôi lợn. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu tiểu ngạch, trong khi bà con nông dân liên tục tái đàn khiến nguồn cung trong nước vượt cầu, dẫn đến giá thịt lợn giảm sâu.
Dự kiến, năm 2017, sản lượng thịt lợn sẽ đạt khoảng 3,7 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm 2017 chỉ vào khoảng 3,5 triệu tấn thịt lợn hơi. Như vậy, nếu so với nguồn cung thì thị trường thừa khoảng 200.000 tấn, chưa kể nhập khẩu. Trước tình hình này, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã khẩn trương nắm bắt tình hình và kịp thời đề xuất Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi. Theo đó, trước mắt là vận động các siêu thị giảm giá cho mặt hàng thịt lợn từ 5-15%. Những ngày gần đây, nhiều chuỗi siêu thị lớn như Big C, Saigon Coop… đã liên tục có nhiều đợt giảm giá cho mặt hàng này.
Ngoài “điểm nóng” là mặt hàng thịt lợn, các mặt hàng tiêu dùng, nguyên liệu khác trong tháng 4 nhìn chung ổn định. Các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng do ảnh hưởng của giá thế giới biến động trước các vấn đề chính trị đang phức tạp nên giá bán trong nước cũng được điều chỉnh tăng vào cuối tháng.
Với diễn biến như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 4 đã đạt 317.503 tỷ đồng, tăng 1,74% so với tháng trước. Trong đó tăng cao nhất là nhóm du lịch, tăng 4,22%, cùng với nhóm lưu trú, ăn uống tăng 2,04% do nhu cầu mặt hàng này tăng cao vào dịp nghỉ lễ 30/4. Tiếp đến là nhóm đồ dùng thiết bị gia đình và phương tiện đi lại tăng khoảng trên 2% do nhu cầu các mặt hàng này tăng trong giai đoạn chuyển mùa và dịch vụ vận tải tăng trong giai đoạn nghỉ lễ. Tính chung 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm đạt 1.267.875 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2016.
Việc giá thịt lợn giảm sâu (vốn là một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong nhóm lương thực thực phẩm) đã tác động đến mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4, dự kiến giảm khoảng 0,1%. Đồng thời, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 cũng dự kiến sẽ giảm so với bình quân cùng kỳ năm trước.
“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn
Giá thịt lợn dự kiến sẽ vẫn là vẫn đề nóng trong thời gian tới. Do đó, để tiếp tục đẩy mạnh việc tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, giữ giá lợn hơi không giảm sâu, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người chăn nuôi và nguồn cung lâu dài cho thị trường, Tổ Điều hành thị trường trong nước kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên vật nuôi, nhanh chóng công bố hết dịch. Đồng thời chỉ đạo sản xuất chăn nuôi theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu để phối hợp, hỗ trợ cho Bộ Công Thương trong việc đàm phán mở rông thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Đẩy mạnh xuất khẩu khi nguồn cung trong nước dư thừa cũng là kiến nghị của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, theo đại diện hiệp hội này, thay vì xuất khẩu lợn sống như hiện nay thì nên xuất khẩu thịt đã qua giết mổ, phân loại và cấp đông để tăng thêm giá trị sản phẩm. Theo đó, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng các kho lạnh nhằm dự trữ thịt đông lạnh, nâng cao tiêu chuẩn thịt xuất khẩu.
Về phía các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, bên cạnh việc tiếp tục kêu gọi các siêu thị, kênh bán lẻ giảm giá bán thịt lợn, Sở sẽ cùng Bộ Công Thương tìm giải pháp xúc tiến thương mại, tìm thị trường để xuất khẩu thịt lợn. Tuy vậy, bà Lan cũng khẳng định, việc khó nhất trong xuất khẩu thịt lợn chính là khó kiểm soát chất lượng thịt lợn. “Ngoại trừ lợn nuôi theo phương pháp sinh học hoặc phương pháp an toàn, rất khó kiểm soát được chất lượng nuôi lợn đại trà trong dân. Trong khi đó để xuất khẩu được, bắt buộc chất lượng thịt phải tốt. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp đồng bộ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hiệp hội Chăn nuôi, các doanh nghiệp và người dân” – bà Lan nhấn mạnh.
Đồng ý kiến với bà Lan, ông Võ Văn Quyền cho hay, nếu cứ sản xuất theo kiểu thủ công, phân tán, vì lợi ích trước mắt mà không suy tính đến chất lượng lâu dài thì con lợn nói riêng và nhiều mặt hàng nông nghiệp khác nói chung sẽ mãi mãi phải đối mặt với câu chuyện “được mùa mất giá”, lúc lên lúc xuống. Do đó, phải sản xuất được theo chuỗi, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Để làm được điều này không phải trách nhiệm của riêng ai mà phải có được sự phối hợp đồng bộ.