Lượng tăng, giá giảm
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lũy kế 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản ước đạt 23,03 tỷ USD, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,84 tỷ USD, giảm 8,2%; giá trị XK thuỷ sản ước đạt gần 4,7 tỷ USD, giảm 1%; giá trị XK chăn nuôi ước đạt 0,39 tỷ USD, tăng 6,3%; và giá trị XK các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 6,01 tỷ USD, tăng 17,3%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng nông sản XK chủ lực lại đang rơi vào tình trạng lượng tăng nhưng giá giảm mạnh.
Cụ thể, với mặt hàng gạo, khối lượng XK 7 tháng đầu năm ước đạt 4,01 triệu tấn, thu về 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về lượng nhưng giảm tới 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá gạo XK bình quân 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018. Khối lượng tiêu XK tháng 7/2019 ước đạt 24 nghìn tấn, với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 201 nghìn tấn, tương đương 514 triệu USD, tăng 32,5% về khối lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá tiêu XK bình quân 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.557 USD/tấn, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2018….
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Trong khi đó, có những mặt hàng giảm cả lượng và giá trị. Theo đó, XK sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 7/2019 ước đạt 134 nghìn tấn với giá trị đạt 53 triệu USD, đưa khối lượng XK sắn và các sản phẩm từ sắn 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,33 triệu tấn tương ứng với 515 triệu USD, theo đó, giảm 16,1% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. XK cà phê tháng 7/2019 ước đạt 157 nghìn tấn với giá trị đạt 253 triệu USD, lũy kế XK cà phê 7 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,08 triệu tấn và 1,82 tỷ USD, giảm 8,2% về khối lượng và giảm 19,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNN) – cho hay, bước sang năm 2019, thị trường nông sản XK của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Nguyên nhân là do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) được thông qua có hiệu lực đã tạo ra một dư địa thị trường rất lớn, không gian thị trường rộng mở hơn. Đồng thời, tạo ra sự dịch chuyển về mặt nhu cầu, sự đòi hỏi về mặt chất lượng và sự đánh đổi của từng khu vực thị trường. Bên cạnh đó, những xung đột thương mại của các thị trường không dễ tìm ra giải pháp chung song đã tác động tới thương mại thế giới, đặc biệt đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu (NK) nông sản của các nước siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật, chính sách thắt chặt NK tiểu ngạch, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, về cấp chứng thư XK, thanh kiểm tra chất lượng của nước XK. Tất cả những điều đó, sẽ tác động tới XK nông sản của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Và cũng tác động tới không gian thị trường XK của nông sản Việt Nam thời gian tới.
Bắt buộc phải hội nhập
Việc tham gia sâu vào các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ giúp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu khi nhiều mặt hàng sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu 0% ngay sau khi các Hiệp định này có hiệu lực.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng sức ép cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất. Đặc biệt, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn.
Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng, trong bối cảnh mới, để duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng, trước tiên, cần phải duy trì và giữ được các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, EU. Đồng thời cũng giữ được nhịp độ về tăng trưởng XK. Một điểm đáng lưu ý là mở rộng danh mục các thị trường XK chính ngạch, đặc biệt là trái cây và thủy sản, tem, nhãn sản phẩm phải đúng với yêu cầu của thị trường NK. Đó là những việc cần phải làm ngay đối với các thị trường truyền thống. Đối với các thị trường mới, điều quan trọng hơn cả là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm phải làm đúng các tiêu chuẩn từ khâu chế biến, nuôi trồng, đóng gói và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng hàng nông sản XK. Vấn đề kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, mã vùng nuôi trồng, hay đơn giản như quy cách về bao bì nhãn mác, phương thức XK, hồ sơ DN đều không được lơ là. Việc xâm nhập thị trường mới phải có quy trình và cách làm bài bản, từ khâu mở cửa thị trường dựa trên những lợi thế của nông sản Việt.
“Chúng ta có thể mở cửa thị trường quả vải sang Nhật Bản, sữa sang Trung Quốc, các sản phẩm cá tra sang Brazil, gia vị sang các nước đạo Hồi, tôm sang các nước Trung Đông”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, cùng với việc thích nghi và bắt buộc phải thích nghi trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng thì trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý đến khâu chế biến và thị trường là những nút thắt cần phải được tháo gỡ. Trong đó, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, thì các doanh nghiệp (DN) và người dân sẽ là những chủ thể rất lớn, có tính quyết định. DN đóng vai trò là trọng tâm, đặc biệt ở khâu chế biến và tiêu thụ. Người dân có vai trò vệ tinh để tham gia vào chuỗi giá trị.
Theo đó, đối với vấn đề nhận thức và hành động, người dân phải căn cứ vào thị trường, làm theo hướng dẫn của thị trường. DN cũng phải đi trước một bước, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật, có bộ phận thăm dò và tìm hiểu thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm làm ra.