Nhà nông Việt lên sàn
Nếu như những năm trước đây, các sản phẩm nông sản vẫn được chào bán qua các kênh truyền thống như, thương lái đến tận vườn thu mua, bán tại các chợ lẻ, chợ đầu mối, thông qua hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, hay qua các chuỗi cửa hàng nông sản…thế nhưng năm nay, dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và kéo dài, các hoạt động giao thương truyền thống liên tục bị gián đoạn vì các địa phương phải đóng cửa theo chỉ thị giãn cách của Chính phủ, kéo theo một lượng lớn nông sản bị ùn ứ.
Đạt chuẩn VietGAP, đạt 3 sao OCOP song vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên sắp bước vào vụ thu hoạch mà nhiều vùng cam ở Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định |
Chuẩn bị vào mùa thu hoạch, các hộ trồng cam ở Tân Phú, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lo lắng đầu ra cho quả cam. Ông Nguyễn Tấn Phượng, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng cam sạch Xuân Lý (Tân Phú) lo lắng: "với diện tích gần 30ha của 25 hộ trồng cam sạch theo chuẩn VietGAP , được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các năm trước, cam được các thương lái đặt hàng gần đầu vụ, thế nhưng năm nay, dịch bệnh chưa biết thế nào nên khoảng 300 tấn cam vụ năm nay của bà con đến giờ vẫn rất lúng túng…".
Tương tự, ông Đoàn Quốc Hoài ở xã Hương Thọ - huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) nói, hiện tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cam Hương Thọ đang có khoảng 6,3ha trồng cam, tổng sản lượng ước tính khoảng 126 tấn.
“Năm nay dịch bệnh căng thẳng, chúng tôi rất lo cho việc tiêu thụ cam sắp tới đây. Vì thế, bên cạnh việc duy trì kênh tiêu thụ truyền thống, HTX quyết định tiêu thụ cam qua sàn thương mại điện tử. Chúng tôi rất kỳ vọng vào kết quả giao dịch qua sàn TMĐT trong năm đầu tiên triển khai này…”, ông Hoài chia sẻ.
Để chủ động cho vùng trồng cam trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho hay, “huyện đã thành lập Ban vận động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam quýt, bằng cách liên hệ với các tổ chức, DN trong và ngoài địa bàn tỉnh để đưa vào khẩu phần ăn của công nhân; cùng với đó tận dụng từ MXH để quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Cam từ lâu đã là loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân tại các tỉnh Bắc miền Trung. Theo thống kê sơ bộ, Nghệ An hiện có diện tích cam đang thời kỳ khai thác là 5.254ha, sản lượng thu hoạch ước tính trên 58 ngàn tấn. Còn tại Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang là địa phương tập trung lớn nhất, hiện có hơn 2.580 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.960 ha, diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGap đạt 835 ha năng suất bình quân đạt 12-15 tấn/ha/năm với sản lượng dự kiến khoảng đạt 24.000 - 30.000 tấn.
Thời vụ thu hoạch ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh diễn ra khoảng đầu tháng 10, chín rộ vào tháng 11, 12 và kéo dài sang tháng 2 năm sau. Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm cam của bà con Miền trung dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Xu thế tất yếu
Để giúp người nông dân Hà Tĩnh nói chung và các hộ trồng cam tại huyện Vũ Quang nói riêng tiêu thụ nông sản, trái cây, đồng thời triển khai kế hoạch phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, từ đầu tháng 9/2021 Sở Công Thương Hà Tĩnh đã khởi động kế hoạch xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân trên địa bàn.
Hội thảo hướng dẫn bà con nông dân quy trình đưa sản phẩm lên sàn TMĐT |
Phát biểu tại lớp tập huấn cho các cơ sở trồng cam tại huyện Vũ Quang tổ chức ngày 29/9, ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh chia sẻ, lần tập huấn này là hoạt động khởi đầu cho chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối đưa sản phẩm cam Vũ Quang trên sàn TMĐT và hệ thống phân phối lớn trong cả nước. Ngoài cam, sắp tới các sản phẩm gắn sao OCOP, và một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như, hồng Yên Du, dầu lạc và bột nghệ Hải Lợi, mật ong Ân Phú, mật mía Nhàn Đức, dầu lạc Tuyết Châu…sẽ được Sở hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT để tìm kiếm thị trường.
Trong đợt xúc tiến đưa nông sản lên sàn lần này, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con. Các đơn vị đã làm việc với Bộ Công Thương và các sàn TMĐT lớn để xây dựng gian hàng cam, các sản phẩm đã được gắn sao OCOP, và một số sản phẩm khác trên các sàn như, Voso.vn (Viettel), Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), Hatiplaza.com (Sàn TMĐT Hà Tĩnh)… để kết nối, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiêu thụ nông sản của địa phương. Dự kiến vụ cam năm 2021 ở Nghệ An sẽ đưa lên sàn TMĐT từ 1.200 - 1.500 tấn/sản lượng 3.000 tấn.
Theo phó giám đốc Bưu điện– phụ trách sàn Postmart Hà Tĩnh - Nguyễn Long Giang cho rằng - việc đưa nông sản nói chung và cam Vũ Quang lên sàn TMĐT Postmart sẽ là một trong những giải pháp mới để hỗ trợ các hộ nông dân tiêu thụ các sản phẩm một cách hiệu quả. Khi mô hình này được triển khai, các sàn TMĐT trong đó có Postmart có thể tiếp cận đến người nông dân trực tiếp bỏ qua nhiều khâu trung gian, đưa những sản phẩm chất lượng lên sàn TMĐT. Mô hình này vừa giúp đảm bảo đầu ra cho bà con, vừa tạo ra một nguồn cung hàng hóa thiết yếu mới để các sàn TMĐT cung ứng cho người dân cả nước.
Với kênh bán hàng mới này, bà con có thể mở rộng cơ hội kinh doanh tới hàng triệu người dùng của sàn TMĐT Postmart. Ngay cả trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bà con vẫn có thể duy trì hoạt động kinh doanh một cách bình thường, giúp đảm bảo an sinh cuộc sống…ông Nguyễn Long Giang cho hay.
Việc kết hợp đưa các sản phẩm nông sản lên các kênh hiện đại như sàn TMĐT là giải pháp hiệu quả, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho nông dân, HTX, DN… tham gia không chỉ trong thời điểm dịch bệnh. Mà ngay cả khi dịch bệnh kết thúc, xu hướng này được xem là xu hướng tất yếu…cùng với đó tạo cho bà con thói quen sản xuất an toàn, các sản phẩm làm ra có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó mới chính là “chìa khoá” để vào các kênh tiêu thụ hiện đại. Đây được xác định là chiến lược dài hơi để đưa nông sản Việt lên sàn TMĐT để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng không chỉ trong tỉnh, trên cả nước mà còn hướng tới xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới...”, ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc TT Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An cho hay.
Sáng 29/9, Sở Công Thương Hà Tĩnh phối hợp UBND huyện Vũ Quang tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất cam và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương vận hành, bán hàng trên sàn TMĐT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 26 điểm cầu, với 715 nhà vườn tham gia. Cùng tham dự ở điểm cầu Trung ương có đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Ban Nghiên cứu phát triển và Thương hiệu (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). Tại Hội nghị các cơ sở sản xuất được nghe Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giới thiệu, hướng dẫn về mô hình “gian hàng Việt trực tuyến”; Sở Công Thương hướng dẫn khai thác vận hành sàn thương mại điện tử hatiplaza.co; các sàn thương mại điện tử Postmart, voso hướng dẫn kỹ năng tạo tài khoản, khai thác, kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT. |