Việc phân bổ tín dụng mới đây của Ngân hàng Nhà nước được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã trả lời báo giới xoay quanh vấn đề này.
Thưa Phó Thống đốc, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại lựa chọn thời điểm 5/12 để tăng room tín dụng?
Mục tiêu thời điểm này Ngân hàng Nhà nước quyết định nới thêm hạn mức tín dụng (room tín dụng) từ 1,5-2% tức là tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.
Thời điểm quý III, các chỉ số vĩ mô nói chung cho thấy không phải điều kiện thuận lợi để tăng room tín dụng, hơn nữa thanh khoản của một ngân hàng lúc đó chưa phải là đã đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thấy rằng vẫn đảm bảo được tất các các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ giá, lãi suất. Chính vì thế, thời điểm quý III chưa phải thời điểm thuận lợi để tăng trưởng tín dụng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Còn 3 tuần nữa sẽ kết thúc năm 2022, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, tác động của tình hình thế giới đối với Việt Nam cũng đã dịu bớt. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo dư địa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án, chương trình, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế hiện nay.
Vì sao có những ngân hàng được nới room tín dụng 1,5%, có ngân hàng thì 2% và có ngân hàng lại không được nới room tín dụng thưa Phó Thống đốc?
Việc phân bổ tín dụng có nhiều mong muốn và mục tiêu đặt ra. Trước hết là làm sao tạo điều kiện có thêm dư địa để các ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực cần thiết. Nhưng việc phân bổ tín dụng cũng khuyến khích dành cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản dồi dào và có thực hiện chính sách giảm lãi suất hiện nay.
Mặt khác, một số ngân hàng vẫn còn room tín dụng theo như đã được phân bổ từ đầu năm. Ví dụ như Agribank dư địa tín dụng còn khá dồi dào nên những ngân hàng đó không cần thiết phải nới room thêm lần này hoặc một ngân hàng đang tăng lãi suất ở mức cao thì Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cũng cần phải hạn chế tăng trưởng tín dụng…
Chính vì thế, việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.
Nới room tín dụng để khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho vay |
Theo Phó Thống đốc, với mức tăng 1,5%-2% sẽ có khoảng bao nhiều tiền được đưa vào nền kinh tế?
Với mức tăng 1,5-2% tương đương với 240 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Đến thời điểm hiện nay tăng trưởng tín dụng 12,2%. Như vậy room tín dụng mà theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho thời gian tới. Có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.
Nhưng điều quan trọng khi có thêm room tín dụng các ngân hàng thương mại cũng phải chủ động, tích cực huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội để tạo nguồn cho vay. Và Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục vừa theo dõi hướng dòng tiền sử dụng room tín dụng vừa sẵn sàng tạo điều kiện các nguồn lực vốn dài hạn cho các ngân hàng thương mại để có điều kiện cung ứng vốn một cách ổn định đảm bảo nhu cầu dự án rất cần thiết như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát nới room ra sao để nguồn vốn đi đúng mục đích, thưa Phó Thống đốc?
Việc quản lý dòng tiền, theo dõi hoạt động của các ngân hàng thương mại rất cần thiết. Đối tượng Ngân hàng Nhà nước muốn tập trung và cũng là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trước hết vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là phục vụ cho lĩnh vực có vai trò động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế lúc này. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước hướng các ngân hàng thương mại hướng dòng vốn vào lĩnh vực đó.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Thủ tướng cũng có chỉ đạo quan tâm đến lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực giúp cho người dân có tiền mua nhà ở xã hội cũng như nhà ở phục vụ thực sự cho nhu cầu đời sống của người dân. Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn coi đây là một trong những lĩnh vực quan tâm và vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho những lĩnh vực mua nhà ở xã hội của người dân được khơi thông cũng như có nguồn lực để người dân mua nhà.
Ngân hàng Nhà nước dành room tín dụng, ưu tiên thoả đáng cho những ngân hàng thương mại có khả năng thanh khoản cao và đặc biệt là những ngân hàng đang giảm lãi suất hiện nay. Đây là một trong những chính sách để khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Tất nhiên, cùng với đó là sự cố gắng tích cực của các ngân hàng thương mại bằng mọi cách giảm chi phí hoạt động của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết lúc này.
Thời gian vừa qua có ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay với mức khá lớn, Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo như thế nào để việc giảm lãi suất này lan toả nhiều hơn trong hệ thống, thưa Phó Thống đốc?
Ngân hàng Nhà nước giao cho Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục kêu gọi, vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, tất nhiên tùy vào mức độ, khả năng cũng như năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng để đưa ra những quyết định giảm lãi suất, nhưng tinh thần chung có sự vận động để các ngân hàng thương mại tiếp tục chia sẻ, đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp rất nhiều.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế vĩ mô cũng phải cho phép để các ngân hàng có thể giảm lãi suất không chỉ đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà vẫn phải đảm bảo khả năng thanh khoản, an toàn của mỗi ngân hàng cũng như cả hệ thống.
Tất cả cơ chế chính sách hiện nay của Ngân hàng Nhà nước đặt ra đều xuất phát từ mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững và tiếp tục quán xuyến thực hiện tốt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Xin cảm ơn Phó Thống đốc!