Vàng son một thủa
Bắt đầu từ công việc sửa chữa, đóng mới, người thợ ở Trung Kiên (Nghi Lộc, Nghệ An) bằng kinh nghiệm đã tự đóng được những con tàu tới 1.200 mã lực phục vụ ngư dân bám biển dài ngày. Từ chỗ mạnh ai nấy làm, năm 2003 HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên ra đời. Đến nay, HTX có 39 thành viên với hơn 300 lao động. Trung bình, mỗi năm có khoảng 80 - 100 con tàu từ đây tỏa ra các vùng biển kéo dài từ Bắc chí Nam.
Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên - kể về thời kỳ hoàng kim của làng nghề |
Gần 80 tuổi, ông Nguyễn Gia In vẫn đắm đuối với những con tàu gỗ. Cuộc sống của ông từ lúc sinh ra, lớn lên, rồi già đi đều gắn bó với nghề truyền thống của làng Trung Kiên với những con tàu vỏ gỗ đi trong Nam ngoài Bắc. Ông Nguyễn Gia In - Chủ nhiệm HTX đóng tàu Trung Kiên - tự hào: “Từ xa xưa, làng được giao nhiệm vụ đóng thuyền Rồng cho vua và đóng tàu chiến cho binh lính. Những thợ thuyền nơi đây đã đóng hàng ngàn, hàng vạn chiếc tàu, thuyền. Nơi nào trên khắp dải đất hình chữ S có nghề biển hầu như đều có bóng dáng tàu thuyền và người thợ làng Trung Kiên. Làng đã đóng tàu cho Trung Quốc, Thái Lan, Lào và đặc biệt tu sửa cho hàng chục con tàu Không số phục vụ đường Hồ Chí Minh trên biển".
Một trong những xưởng đóng tàu gỗ lớn nhất ở Trung Kiên, ông Võ Thế Xâm (64 tuổi) - chủ xưởng - cho biết, vào những năm 2016 - 2017, thời kỳ hoàng kim của nghề đóng tàu vỏ gỗ, làng Trung Kiên có tới 40 cơ sở đóng tàu gỗ hoạt động hết công suất. Ông Xâm, nhớ lại: “Trước đây, khi làng còn thịnh, nhu cầu đặt hàng nhiều lắm, làm ngày làm đêm không hết việc, xưởng của tôi và các xưởng bên cạnh còn phải thuê thêm thợ từ Hải Phòng, Nam Định. Giờ đây nhìn xưởng trơ trọi buồn lắm”.
Nghề biển gặp khó khăn, hải sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt cùng với chủ trương đánh bắt đang hướng đến xa bờ với nhiều ưu đãi cho những tàu có công suất lớn, hiện đại bằng vỏ thép… vì vậy, nhiều ngư dân không còn tha thiết đầu tư đóng mới thuyền vỏ gỗ. Thực trạng này đã khiến cho các xưởng đóng thuyền gỗ ngày càng vắng khách. Bây giờ đến làng nghề Trung Kiên, gần như các xưởng đóng thuyền không còn hoạt động, nhiều thợ đã bỏ nghề do không có việc.
Mong giữ lại nghề đóng tàu huyền thoại
Ông In nói với chúng tôi, cái nghề đóng sửa tàu thuyền ở Trung Kiên nức tiếng một thời. Bao thế hệ vẫn luôn nuôi giữ niềm tự hào với nghề truyền thống của ông cha. Giờ, chuyện làm vỏ, làm máy những con tàu nhỏ thôi mà cũng phải chạy đôn chạy đáo, nói chi chuyện đóng mới, nâng cấp những con tàu lớn.
Có ít vốn, hầu hết các cơ sở sửa chữa nhỏ, mặt bằng chật hẹp, không đủ trang thiết bị để tiếp nhận được những con tàu có trọng tải lớn. Việc đóng những con tàu lớn nhất thiết phải có những cây gỗ lớn, nhưng nguồn nguyên liệu này ở Nghệ An đã cạn kiệt. Những người thợ đóng tàu phải nhập gỗ từ Lào với chi phí đắt đỏ và tốn kém hơn. Ai đời, sinh ra giữa vùng biển, vang danh làng nghề mà giờ cả cơ sở và thợ thuyền ngày càng mai một. Thế nhưng làng nghề truyền thống này lại đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trẻ và lớp lao động kế cận.
Tàu vỏ gỗ ở làng đóng tàu Trung Kiên - Nghi Thiết - Nghi Lộc - Nghệ An |
“Với những người thợ đóng tàu giỏi, thu nhập của họ cũng xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập cũng xem là cao, nhưng chừng đó trang trải cho cả gia đình cũng chẳng có mấy đồng tích lũy. Trong khi đó, những thanh niên trong làng đi xuất khẩu lao động lại giúp họ “tròn vốn’’ khi trở về. Bởi vậy nhiều người, đặc biệt là thanh niên vẫn thích xuất khẩu lao động sang nước ngoài hơn là gắn bó với nghề của cha ông…’, ông Nguyễn Gia In đau đáu.
Trong suốt cuộc trò chuyện, ánh mắt buồn hiu của lão ngư bước qua tuổi xưa nay hiếm cứ nhìn vào những con tàu nằm trên đà sát bên chân sóng biển. Chúng tôi hiểu nỗi lòng của ông In cũng như nhiều chủ phương tiện tàu thuyền khác, để có những con tàu nhổ neo đạp sóng ra khơi… thì hậu cần phải được coi trọng. Những năm gần đây, làng nghề gặp khó, 2 - 3 năm không đóng thêm được chiếc tàu nào, một số thành viên trong HTX cũng đã đề xuất với tôi nên giải thể HTX...”, ông In cho biết.
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An - cho biết thêm, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có quy mô lớn nhất cả tỉnh (Nghệ An hiện có 25 cơ sở đóng tàu). Hiện nay, làng nghề đang gặp muôn vàn khó khăn vì theo nội dung Luật Thủy sản 2017 hướng tới khai thác thủy hải sản một cách bền vững thì số lượng tàu đóng mới vỏ gỗ có chững lại. Cả tỉnh Nghệ An 2, 3 năm trở lại đây không đóng mới thêm chiếc tàu vỏ gỗ nào vì vậy việc tạo công ăn việc làm cho số lượng lao động đóng tàu vỏ gỗ dư thừa. Chúng tôi cũng động viên bà con chuyển đổi ngành nghề sang làm mộc, sửa chữa… bên cạnh đó tập trung quảng bá cho bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh biết đến tên tuổi, chất lượng, hình ảnh của làng nghề để từ có thêm đơn hàng mới...”, ông Lương chia sẻ.
Những con tàu ra khơi là niềm tự hào của những người thợ, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Bởi từ chỗ làm nghề chỉ để lo miếng cơm manh áo, nay mỗi người thợ đóng tàu ở những làng biển như những chiến sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo vì họ đã đồng hành tiếp sức cho ngư dân. Nhờ có những người thợ đóng tàu mà nghề đánh bắt thủy hải sản mới phát triển mạnh. Nghề đóng tàu gỗ chính là “anh hùng thầm lặng” ở đất Nghệ An này. Và trong tâm trí của những lão ngư dãi dầu sóng gió như ông In, ông Xâm… còn tàu còn thuyền thì nghề sửa chữa tàu thuyền không bao giờ tàn lụi, chỉ buồn là nghề sống “khắc khoải” theo mùa.
Làng Trung Kiên, xưa gọi là Hoàng Lao, vào cuối Triều Nguyễn, làng được gọi là xã Trung Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên. Năm 1946 thuộc xã Đông Hải. Từ năm 1954 đến nay, làng Trung Kiên thuộc địa phận xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ở đây, một thời đã từng là nơi hạ thủy những "con tàu không số" góp phần tạo nên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Ngày 25/11/2014, làng nghề Trung Kiên được Ban chấp hành Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh là ''Làng nghề tiêu biểu Việt Nam''; HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên được tặng danh hiệu ''Đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu Việt Nam''. |