Hàng Nhật tìm đường thu hút người tiêu dùng Việt Doanh nghiệp bánh trung thu “bung hàng” hút khách |
Từ đầu năm tới nay hoạt động khuyến mãi ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra vô cùng sôi động khi hầu như tuần nào, tháng nào tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hay thậm chí là shop thời trang dọc những khu trung tâm cũng có chương trình giảm giá, tặng quà để lôi kéo khách mua.
Nhìn chung các tấm biển như “Giảm giá 50%+”, “Mua 1 tặng 1”, “Mua 2 tặng 1”, hay “Giảm tất cả”, “Thanh lý hàng tồn kho”… là những cụm từ khá phổ biến đối với người tiêu dùng.
Các biển khuyến mãi khá phổ biến trong cửa hàng hoặc hội chợ |
Theo lý giải của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ các chương trình này được tổ chức liên tục, dày đặc và diễn ra ở khắp các ngành hàng, lĩnh vực từ vé máy bay, du lịch, thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng học tập, đồ dùng điện tử… cho tới thực phẩm là do năm nay sức mua vẫn còn yếu. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, theo số liệu từ Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố ước đạt 561.734 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng trưởng 2 con số).
Cũng theo Sở này, những tháng đầu năm nay hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản… rất khó khăn và nhiều doanh nghiệp trong số này đã phải tìm điểm tựa ở thị trường nội địa. Chính vì thế việc tung ra những chương trình khuyến mãi được xem là giải pháp để thu hút khách hàng.
Thậm chí bắt đầu từ giữa tháng 6/2023 TP. Hồ Chí Minh còn tiếp tục tổ chức một chương trình khuyến mãi tập trung quy mô lớn với sự tham gia của 3.000 doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng. Điểm đáng lưu ý là chương trình này kéo dài suốt 3 tháng (từ 15/6 đến 15/9/2023) và có tới trên 7.000 chương trình khuyến mãi đã được doanh nghiệp đăng ký thực hiện trong suốt khoảng thời gian này.
Chia sẻ trước báo giới, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nói rằng, các năm trước chương trình chỉ thực hiện trong thời gian 1 tháng, nhưng năm nay do tình hình kinh tế khó khăn nên chương trình sẽ kéo dài trong suốt 3 tháng để góp phần tăng sức mua, nâng tổng cầu của TP. Hồ Chí Minh.
Tới thời điểm hiện tại, chương trình này mới diễn ra được nửa tháng và đã có rất nhiều siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, shop thời trang lớn nhỏ hưởng ứng với những khẩu hiệu như “Giảm giá sập sàn”, “Sale lớn mùa hè”, “Mua nhiều ưu đãi lớn”…
Khách quan mà nói, đối với người tiêu dùng thì việc các chương trình giảm giá mạnh, dày đặc là đáng mừng. Nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm và giá nhiều loại chi phí dịch vụ neo ở mức cao như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn không ít nhiều người tiêu dùng hoài nghi về các chương trình giảm giá này. Bởi lẽ nhiều người quan niệm rằng hàng giảm giá nếu với thời trang thường là hàng lỗi mốt, hay với thực phẩm thì thường là hàng “cận date”… Và đã không ít người tiêu dùng lúc mua thì hí hửng nhưng khi về đã thất vọng do sản phẩm không giống như quảng cáo trên mạng…
Đây cũng là điều dễ hiểu khi những chương trình giảm giá được các doanh nghiệp tung ra rất nhiều nhưng hiệu quả thu về lại chưa cao. Minh chứng là cao điểm khuyến mãi dịp 30/4 và 1/5 vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh được tổ chức rầm rộ nhưng theo chia sẻ từ các nhà bán hàng thì lượng khách mua sắm lẫn doanh số đều giảm so với kế hoạch. Vì thế, với đợt giảm giá tập trung kéo dài tới 3 tháng tới đây ở TP. Hồ Chí Minh đã không có ít câu hỏi đặt ra như: Liệu thời gian 3 tháng có quá dài? Kéo dài như vậy sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy khuyến mãi không còn đặc biệt?...
Xuất phát từ những băn khoăn này, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - ông Nguyễn Anh Đức cũng thừa nhận rằng, thời gian 3 tháng quá dài sẽ không phải là hoạt động kích cầu mà sẽ là phong trào. Do vậy bên cạnh việc khuyến mãi theo từng ngành nghề cụ thể thì ở những tháng sau trong chu kỳ 3 tháng này nhà bán lẻ cần có hoạt động khác để kết hợp các ngành nghề với nhau. Ví vụ bán lẻ với du lịch, bán lẻ với các ngành nghề văn hóa khác để tạo cộng hưởng thu hút người tiêu dùng.